Tâm điểm
Hoàng Hồng

Học sinh có nên "chỉ điểm" thầy cô?

Lá thư ngỏ của một thầy hiệu trưởng ở Sóc Trăng kêu gọi học sinh "tố giác" thầy cô dạy thêm sai quy định khiến tôi nhớ tới thầy Tanaka trong truyện "Người bà tài giỏi vùng Saga" của nhà văn Nhật Bản Yoshichi Shimada.

Cậu học trò Tokunaga phát hiện mất vé tàu và 2.000 Yên - số tiền mà cậu để dành đi Hiroshima thăm mẹ. Nghe trò báo mất tiền, thầy Tanaka liền lấy trong ví ra 5.000 Yên dúi vào tay trò, bảo cậu: "Lấy đi mà về với mẹ".

Tokunaga ngạc nhiên và không đồng ý, bởi cậu phải tìm bằng được thủ phạm. Song thầy Tanaka nghiêm khắc nói: "Tokunaga, không được tìm. Nếu em tìm được, người đó sẽ trở thành tội đồ".

Thầy Tanaka biết rằng, người lấy trộm đồ rất có thể là một thành viên trong đội bóng chày học sinh. Nếu kẻ trộm bị phát giác, cậu bé đó sẽ tủi nhục mức nào. Và thầy đã quyết định bảo vệ danh dự cho cậu học trò lầm lỗi của mình, thứ mà thầy cho là quý giá hơn rất nhiều 5.000 Yên Nhật.

Học sinh có nên chỉ điểm thầy cô? - 1

Liệu có nên dùng bàn tay con trẻ để cùng đo đếm phẩm giá người thầy (Ảnh minh họa tạo bởi ChatGPT)

Liệu danh dự của một giáo viên có đáng được bảo vệ như danh dự của một học sinh, trong trường hợp có lỗi lầm?

Tôi hiểu rằng, thầy hiệu trưởng ở Sóc Trăng viết thư ngỏ với mục đích tốt đẹp. Thầy kêu gọi các giáo viên làm hết trách nhiệm trong các tiết dạy chính khóa, tuyệt đối không dạy thêm trái quy định. Thầy kêu gọi phụ huynh phải đặt kỳ vọng đúng vào con, tránh gây áp lực điểm số mà vô tình tiếp tay cho học thêm, dạy thêm sai quy định. Và thầy kêu gọi học sinh nỗ lực vượt lên bằng sự tự học, mạnh dạn nói "không" với học thêm tràn lan.

Giá như thầy chỉ dừng ở đó thôi mà không nhắn nhủ tiếp: "nói với thầy nếu thấy dấu hiệu vi phạm, để cùng nhau chấn chỉnh".

Tôi cũng hiểu rằng thầy hiệu trưởng muốn bảo vệ học sinh. Thầy muốn trở thành một "đường dây nóng" để học sinh tìm đến nếu bị "ép học thêm" hoặc chứng kiến thầy cô vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Khi mỗi học sinh dám "tố giác" cái sai và có nơi tin cậy để "tố giác", nạn dạy thêm, học thêm tràn lan có thể sẽ được phát hiện và dẹp bỏ nhanh chóng nhất.

Nhưng có nên hay không nên khuyến khích học sinh "tố giác" thầy cô của mình?

Ở góc độ truyền thống, hành vi trò "tố giác" thầy, "chỉ điểm" thầy được quy về đạo đức. Trên khắp Việt Nam, học sinh bước chân vào cổng trường sẽ bắt gặp khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn", dù từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ câu này ra khỏi danh sách khẩu hiệu định hướng dùng trong trường học. Trong đó, "tôn sư trọng đạo" là một trong những chữ "lễ" gốc rễ nhất mà học sinh được học và phải học.

Nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc đến các mối quan hệ xã hội, trong đó có mối quan hệ thầy trò, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Trò có sự bình đẳng nhất định so với thầy, nhưng đồng thời tinh thần "tôn sư" cũng sa sút theo sự suy giảm về đạo đức nhà giáo và sự can thiệp quá mức của phụ huynh vào công việc của nhà trường.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, việc trò "tố giác" thầy khi thầy làm sai được chấp nhận một cách dễ dàng.

Ở chiều ngược lại, việc trò im lặng khi thầy làm sai lại vi phạm các quy tắc về chính trực. Nếu học sinh không dám phản ứng, không dám cất tiếng nói trước những điều không đúng trong trường học, chúng cũng sẽ im lặng trước mọi bất công, sai trái, thay vì thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội cần có của một công dân khi trưởng thành.

"Tố thầy cô thì vô đạo đức, không tố thầy cô thì vô trách nhiệm, học sinh phải làm gì trước lời kêu gọi của hiệu trưởng?", tôi đã đọc được dòng bình luận đó trên một diễn đàn của học sinh.

Các em thể hiện sự hoài nghi, rằng học sinh tố học sinh còn không được giải quyết, học sinh tố thầy cô liệu có được giải quyết thật hay không? Sự hoài nghi ấy không phải không có cơ sở. Nạn bạo lực học đường diễn ra nhiều năm qua, với hậu quả ngày một nặng nề, xuất phát từ những phản ánh không được lắng nghe của học trò. Thầy cô, nhà trường luôn biết khi sự đã rồi. Nhiều trường hợp nhà trường chỉ biết khi clip được tung lên mạng xã hội.

Tại sao rất nhiều học sinh chứng kiến bạn bè mình làm sai nhưng không ai "tố giác"? Đó là một câu chuyện dài, mà ở đó, học sinh không có niềm tin rằng cha mẹ, thầy cô có thể giúp mình giải quyết vấn đề.

Bởi thế, nếu thầy hiệu trưởng muốn học sinh dũng cảm "nói với thầy" về những vi phạm của thầy cô khác, thầy phải xây dựng được niềm tin mạnh mẽ ở học trò. Đồng thời, thầy phải phân định rạch ròi về đạo đức trong hành vi ấy, để người học trò tố giác không trở thành nạn nhân của định kiến đạo đức vốn ăn sâu bám rễ trong trường học truyền thống cũng như quan niệm xã hội.

Nhưng, tôi cho rằng, tốt hơn cả nếu người tố giác không phải là học sinh.

Ngành giáo dục nói chung và trường học nói riêng có một hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát đồng bộ. Giáo viên phải sinh hoạt chuyên môn hàng tháng. Tổ chuyên môn phải thăm lớp, dự giờ. Các cuộc tổng kết, đánh giá, bình xét thi đua đối với giáo viên phải tổ chức hàng kỳ. Đồng thời, một trong những nội dung thanh tra chuyên ngành đối với trường phổ thông theo Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2024 có quản lý dạy thêm, học thêm.

Nếu tất cả các khâu này được thực hiện đầy đủ, hành vi vi phạm của giáo viên lẽ nào không được ngăn ngừa và phát hiện kịp thời?

Còn nếu như các khâu này không được thực hiện đầy đủ, điều gì đảm bảo rằng những phản ánh của học sinh sẽ được ghi nhận, xử lý?

Trách nhiệm giám sát vốn dĩ thuộc về các cơ quan quản lý, nhà trường và phụ huynh. Việc kéo con trẻ vào "san sẻ trách nhiệm" có nguy cơ đẩy học sinh vào thế "đối đầu dự bị" với chính người thầy hàng ngày dạy dỗ mình. Nếu một ngày con cái chúng ta không còn biết "sợ", biết "kính" thầy, chỉ chờ thầy sai để "tố", chúng ta biết gửi gắm chúng cho ai, gửi gắm vào điều gì mỗi khi chở con đến cổng trường?

Cuối cùng là, danh dự của người giáo viên ở đâu khi bị học trò "tố giác"? Dù quy định về dạy thêm, học thêm khá rõ ràng, nhưng ranh giới giữa quy tắc hành chính và đạo đức nghề nghiệp còn rất mong manh. Không phải người thầy nào vi phạm quy định dạy thêm, học thêm cũng là vi phạm đạo đức. Nhà quản lý, lãnh đạo trường học, với năng lực và sự công bằng, mới có thể đánh giá, nhận định, xử lý theo cách thức phù hợp nhất.

Trên tất cả, phẩm giá của người thầy không thể dùng một thước đo duy nhất là một văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, không thể và không bao giờ nên dùng bàn tay con trẻ để cùng đo đếm phẩm giá người thầy. Bảo vệ cho danh dự, phẩm giá của họ cũng là bảo vệ cho niềm tin trong sáng của con cái chúng ta. Dù gì đi nữa, tôi luôn đinh ninh rằng, những đứa trẻ của chúng ta không thể lớn lên một cách vững vàng, mạnh mẽ mà thiếu vắng niềm tin.

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!