Đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng
Trong bài viết vào tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng".
Khu vực tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược tăng trưởng bền vững, trong bối cảnh thành phần kinh tế tư nhân, hiện đóng góp khoảng 50% GDP, nhưng phần lớn vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hoặc hợp tác xã, có năng suất thấp và rất ít khả năng mở rộng hoặc vươn xa.
Câu chuyện của những người thân trong gia đình tôi không phải là ngoại lệ. Em trai út tôi khởi nghiệp với một doanh nghiệp nhỏ nhưng liên tục thua lỗ suốt 5 năm. Một người em gái khác điều hành hộ kinh doanh gia đình nhưng vẫn loay hoay chưa tìm ra lối đi sau đại dịch COVID-19. Hai câu chuyện đều phản ánh những hạn chế phổ biến của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam: thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu định hướng dài hạn, thiếu khả năng xây dựng thế mạnh cạnh tranh và bị bó hẹp trong một hệ sinh thái nhiều hạn chế.

Một góc TPHCM nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: Hữu Khoa)
Cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay gồm ba khu vực chủ đạo: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực phi nhà nước, bao gồm doanh nghiệp tư nhân trong nước, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm chưa đến 0,5% số lượng doanh nghiệp nhưng lại đóng góp tới 27% GDP, khu vực FDI chiếm khoảng 3% số lượng doanh nghiệp, đóng góp hơn 20% GDP, 72% giá trị xuất khẩu và hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Ngược lại, khu vực "phi nhà nước" chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp và hơn 90% lao động trong khu vực doanh nghiệp nhưng lại chỉ đóng góp chưa đến 50% GDP. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân chính thức chỉ chiếm khoảng 10% GDP. Đây là một nghịch lý lớn, khu vực đông đảo nhất về số lượng và lao động lại có đóng góp thấp nhất về giá trị gia tăng, năng suất và đổi mới.
Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển, khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng, trung tâm của sáng tạo, đổi mới công nghệ. Tại Hoa Kỳ, khu vực tư nhân chiếm 83% GDP và là cái nôi của phần lớn các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Các công ty như Apple, Google, Amazon đều bắt đầu từ quy mô gia đình nhưng đã lớn mạnh nhờ vào hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm vốn mạo hiểm, thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và pháp luật minh bạch.
Ở châu Âu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 99% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% việc làm và hơn một nửa giá trị gia tăng, được hỗ trợ bởi hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, chuyển đổi số và mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Dubai là hình mẫu tiêu biểu cho sự chuyển mình từ một nền kinh tế sa mạc sang trung tâm thương mại và công nghệ toàn cầu. Khu vực tư nhân tại Dubai hiện chiếm 90% GDP, nhờ vào chính sách thuế thấp, hành chính số hóa toàn diện, quyền sở hữu 100% cho nhà đầu tư nước ngoài và các khu thương mại tự do chuyên ngành, như trung tâm tài chính quốc tế.
Tương phản với những mô hình tiên tiến trên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn chưa xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện để phát triển khu vực tư nhân. Môi trường kinh doanh chưa thân thiện, thủ tục vẫn phức tạp, chồng chéo, thiếu liên thông và dễ dẫn đến nhũng nhiễu. Tâm lý "sợ lớn" tồn tại ở một bộ phận doanh nhân, xuất phát từ việc càng lớn càng có thể bị thanh tra, kiểm tra, càng dễ bị gây khó dễ. Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp vì lo mất quyền kiểm soát, gánh nặng kế toán và nghĩa vụ thuế.
Tiếp cận nguồn lực cũng không công bằng, doanh nghiệp tư nhân bị thiệt thòi trong đấu thầu, tiếp cận tín dụng, và chính sách ưu đãi. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hầu như không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp "sân sau".
Doanh nghiệp Việt Nam còn bị lấn át bởi hàng nhập khẩu giá rẻ. Trong nhiều ngành như thực phẩm, điện tử, nhựa, doanh nghiệp nội gần như mất năng lực sản xuất quy mô lớn, mất động lực đổi mới công nghệ và buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Hệ quả là nhiều sinh viên ra trường thiếu việc làm đúng chuyên môn, phải làm việc thời vụ, bán thời gian hoặc trái ngành.
Về nguyên nhân nội tại, phần lớn doanh nghiệp nhỏ thiếu kỹ năng quản trị, quy trình minh bạch, bộ máy hiện đại và văn hóa tổ chức chuyên nghiệp. Họ không có khả năng thu hút nhân tài, thiếu kết nối với đại học và viện nghiên cứu, gần như không đầu tư vào thương hiệu hay nghiên cứu phát triển.
Để phát triển kinh tế tư nhân - một trong những điều kiện tiên quyết để thoát bẫy thu nhập trung bình - Việt Nam cần một giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trước hết, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân cho Việt Nam, trong đó ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Các quy trình đăng ký kinh doanh, báo cáo và khai thuế nên được số hóa toàn diện.
Nhà nước nên miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng nhất định như Dubai đã áp dụng (ví dụ nếu doanh nghiệp có doanh thu dưới 2 tỷ đồng thì miễn thuế doanh nghiệp), đưa thuế suất về dưới 10%, đồng thời giảm chi phí thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp. Các giải pháp trên không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân trong nước và còn thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Việc thanh tra, kiểm tra cần được hạn chế nếu không có tố giác hay bằng chứng vi phạm. Ngược lại khi có dấu hiệu vi phạm thì việc thanh tra, kiểm tra cần làm quyết liệt để răn đe và hạn chế hệ quả tiêu cực.
Tiếp theo, cần bảo đảm doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận công bằng và minh bạch với các nguồn lực như vốn tín dụng, thị trường, các nguồn hỗ trợ, và thông tin. Cần thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng, cung cấp vốn khởi nghiệp có điều kiện, và các cơ chế sandbox (khung thể chế thử nghiệm) để bảo vệ và ươm mầm khởi nghiệp. Đồng thời, mạng lưới trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hoạt động hiệu quả và có liên kết chặt chẽ với hệ thống đại học, viện nghiên cứu và chính quyền địa phương.
Quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ linh hoạt, bao gồm chế độ kế toán đơn giản, thuế khoán có thời hạn và cơ chế khuyến khích tiếp cận ưu đãi sau khi chuyển đổi. Song song với đó, chúng ta cần phát triển văn hóa doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và có trách nhiệm xã hội. Các chương trình đào tạo về nhân sự, tài chính, thương hiệu và chuyển đổi số cần được mở rộng, kết hợp giữa khu vực công và tư.
Việt Nam cũng nên điều chỉnh định hướng thu hút FDI, yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cho một số ngành, hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng trong nước và khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, chúng ta cần lập các văn phòng hỗ trợ quốc tế hóa (có thể đặt thêm tại lãnh sự quán các nước), xúc tiến thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới, đăng ký sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và khai thác mạng lưới thương vụ Việt Nam.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta cần đẩy mạnh chiến lược "Make in Vietnam" và truyền thông rộng rãi nhằm khơi dậy tinh thần sử dụng hàng nội địa chất lượng cao.
Khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được phát triển mạnh mẽ trong một môi trường công bằng, minh bạch và hiệu quả, cũng là lúc chúng ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đi vào quỹ đạo thịnh vượng bền vững.
Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!