Lựa chọn thủ phủ của các không gian phát triển mới
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đang được các cấp có thẩm quyền tập trung cao độ thực hiện; theo dự kiến, các Nghị quyết về nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6, để chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1/7, cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.Đến thời điểm này, một trong những mối quan tâm của nhiều người dân là tên gọi cũng như địa điểm sẽ được lựa chọn để đặt trung tâm hành chính - chính trị của địa phương, hay còn được gọi nôm na là "thủ phủ" của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Trong suy nghĩ quen thuộc của người Việt, từ xưa đến nay, thủ phủ hay trung tâm tỉnh lỵ không chỉ là nơi đặt các cơ quan hành chính của Nhà nước, mà còn là nơi hội tụ các hoạt động kinh tế - thương mại - văn hóa - giáo dục của một địa phương. Vì thế, trong ngôn ngữ hàng ngày, người dân hay sử dụng cách nói như "đi ra tỉnh", "đi lên tỉnh", hàm ý được đến trung tâm của tỉnh, nơi tập trung dân cư và các hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn và mang tính chất lan tỏa phát triển đối với các nơi khác trong tỉnh.

TPHCM nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: DT)
Những nếp nghĩ nêu trên cho thấy đặc trưng của tư duy truyền thống, đề cao sự tích hợp chức năng đối với tỉnh lỵ, coi "thủ phủ" của đơn vị hành chính cấp tỉnh là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Cách tiếp cận này cũng phổ biến tại các nước đã có tiến trình phát triển lâu đời, đặc biệt là các quốc gia Á Đông, khi thủ đô của quốc gia hay thủ phủ của địa phương thường là trung tâm của các hoạt động.
Do đó, xét đến truyền thống nêu trên và bối cảnh hiện nay, nguyên tắc hàng đầu trong lựa chọn nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp là lựa chọn "thủ phủ" của một trong số các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay. Điều tương tự cũng có thể được thực hiện với cấp xã, sau khi sáp nhập để nâng quy mô về diện tích và dân số của đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Ưu điểm dễ thấy của nguyên tắc trên - tôi xin tạm gọi là cách tiếp cận tích hợp chức năng của thủ phủ cấp tỉnh, là giảm thiểu xáo trộn, tiết kiệm, đảm bảo khả năng thích ứng nhanh và duy trì hoạt động ổn định của chính quyền các cấp sau sắp xếp. Cùng với đó là những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội, cũng như bề dày về lịch sử và truyền thống, bản sắc văn hóa…Sự cộng hưởng của tất cả những yếu tố này tạo nên vị thế đặc biệt cho các trung tâm hành chính - chính trị của địa phương sau sắp xếp.
Như chúng ta đã biết, tại một số cuộc họp quan trọng gần đây, lãnh đạo Chính phủ đã gợi mở việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa, và việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới cũng cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.
Cùng với đó, khi lựa chọn địa điểm để đặt trung tâm hành chính - chính trị thì cần tính đến không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập, bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh.
Nhìn ra thế giới, bên cạnh cách tiếp cận phát triển các thủ phủ tích hợp chức năng, tại một số quốc gia như Mỹ và Australia, còn có mô hình phân tán chức năng khi xây dựng trung tâm chính trị - hành chính cho các địa phương. Chẳng hạn, thủ phủ của bang Oregon (Mỹ) là thành phố Salem chứ không phải thành phố Portland, với nền kinh tế phát triển sôi động nhất; hay thành phố Sacramento được chọn để đặt thủ phủ của bang California, chứ không phải các thành phố lớn, sầm uất như San Francisco hay Los Angeles. Ở cấp độ quốc gia, thủ đô Washington (Mỹ) và Canberra (Australia) đều được đặt ở những nơi không phải là những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, hay sản xuất công nghiệp hàng đầu của đất nước.
Với mô hình phân tán chức năng, thủ phủ chỉ đảm nhiệm vai trò là trung tâm hành chính - chính trị, còn các chức năng kinh tế - thương mại - du lịch - dịch vụ - văn hóa… có thể được phân bố ở các trung tâm khác nhau, với những định hướng phát triển riêng.
Việc hình thành nhiều trung tâm với các chức năng đặc thù sẽ thúc đẩy sự phát triển cân bằng và hài hòa hơn giữa các khu vực trong một địa phương; có thể giúp địa phương giải quyết các vấn đề nan giải nảy sinh từ quá trình đô thị hóa như tập trung dân cư, quá tải cơ sở hạ tầng, ách tắc giao thông… Tuy nhiên, hạn chế dễ thấy của cách tiếp cận phân tán chức năng, chọn một địa điểm hoàn toàn mới làm thủ phủ của địa phương là đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trở lại với Việt Nam, theo tinh thần chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này, chúng ta không chỉ tinh gọn, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, mà còn hướng đến một cơ cấu địa phương với những đặc điểm hợp lý hơn, tạo không gian phát triển mới, bền vững trong tương lai.
Vì thế, việc lựa chọn nơi để đặt thủ phủ cho đơn vị hành chính cấp tỉnh mới cần xem xét nhiều chiều cạnh, đồng thời nắm bắt các xu hướng quản trị hiện đại để tính toán các "không gian phát triển mới". Chúng ta kỳ vọng và tin tưởng rằng việc lựa chọn nơi đặt thủ phủ của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp sẽ được đặt trong chiến lược, tầm nhìn phát triển của địa phương, cũng như chiến lược phát triển của cả vùng và trên quy mô quốc gia.
Một thủ phủ lý tưởng không chỉ sẽ là nơi thuận lợi cho việc bố trí các cơ quan, công sở, công tác lãnh đạo và quản lý của chính quyền địa phương, việc đi lại của người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu, mà còn phải trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển đồng đều của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!