DMagazine

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: "Cô ơi các bạn chết hết rồi!"

(Dân trí) - Sau tiếng bom nổ, mùi khét tỏa ra trong tiếng hô lớn "Trường cấp III Lý Tự Trọng bị ném bom rồi". Quả bom đó đã khiến 16 học sinh lớp 9A tử nạn.

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 1
Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 3

"Cô ơi, các bạn chết hết rồi!", lời nói của cậu học trò lớp 9A thoát nạn trong vụ Mỹ ném bom khiến 16 học sinh tử nạn vào năm 1968 vẫn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Văn An (trú thôn Trửa, xã Thạch Tiến, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

57 năm trước, ông An tròn 24 tuổi, chàng trai cao to, nhanh nhẹn được cử làm dân quân du kích, với nhiệm vụ trực súng bảo vệ cống 23 (xã Thạch Tiến) cho xe thông suốt, đưa hàng hóa vào miền Nam. Ông cũng là một trong những nhân chứng đầu tiên có mặt tại lớp học nơi Mỹ ném bom khiến 16 học sinh tử nạn. Chàng trai năm đó nay bước sang tuổi 81, râu tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy nếp nhăn nhưng ánh mắt vẫn giữ được sự sắc sảo, kiên định, minh mẫn.

Nhắc đến vụ ném bom, ánh mắt ông An như hiện lên nỗi buồn sâu thẳm. "Đó là ký ức đau buồn của chiến tranh. Sau tiếng bom nổ, lớp học bị phá tan như bãi chiến trường, chứng kiến cảnh này ai cũng đau xót", ông An hồi ức.

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 5

Ngày 19/8/1968, bầu trời Thạch Tiến dần chuyển sang Thu, trưa nắng gắt, đến chiều thi thoảng có những cơn mưa rào bất chợt đổ xuống. Khác với những ngày bình yên trước, hôm đó từ sáng đến trưa, loạt máy bay ném bom không kích của Mỹ liên tục quần thảo trên bầu trời nhằm đánh phá trọng điểm số 1 tại Ngã ba Đồng Lộc, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Khung cảnh bình yên ở vùng quê Thạch Tiến cách "tọa độ lửa" khoảng 5km theo đường chim bay cũng bị xé toạc bởi những tiếng gầm rú, tiếng bom nổ vang trời.

Dù chiến tranh lúc này đang diễn ra ác liệt, nhưng ở những lán học nhỏ nằm dưới rặng tre xanh, các đoàn viên Trường cấp III Lý Tự Trọng vẫn mải miết học tập, thảo luận Nghị quyết 12 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về đẩy mạnh phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước.

Trường cấp III Lý Tự Trọng ngày mới thành lập có tổng 160 học sinh, được xây dựng 6 lán học, phân tán đều ở các xóm Thọ, Lộc, An, Khang, Ninh. Mỗi lán dựng bằng tre nứa, được đào sâu hơn 1m, 4 phía đắp lũy cao hơn 1m, các lán học đều có hệ thống hào giao thông nối với hầm chữ A để thoát hiểm và trú ẩn cho học sinh, giáo viên mỗi khi có báo động của máy bay Mỹ.

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 7

Từ 15h ngày 19/8/1968, máy bay Mỹ thi nhau ném bom xuống Ngã ba Đồng Lộc. Những giờ học tập, thảo luận chính trị cũng bị gián đoạn bởi tiếng kẻng báo động vang lên liên hồi. Sau mỗi lần ném bom, máy bay Mỹ lại rà sát xuống xóm làng, với âm thanh gầm rú, rúng động tưởng chừng như đang lao thẳng xuống các lớp học.

30 phút sau đó, khi chuẩn bị kết thúc buổi thảo luận, học sinh ra về thì tiếng kẻng báo động từng hồi dồn dập vọng về. Kèm theo đó là tiếng hô hoán chạy vào hầm chữ A. Các lớp học nhốn nháo, học sinh đều bỏ lại sách bút, nằm thụp xuống đất. Lúc này, những tiếng bom nổ lớn vang lên. Mùi khét lẹt, khói bụi bao trùm tỏa ra trong tiếng hô "Trường cấp III Lý Tự Trọng bị ném bom rồi". 

"Thời điểm đó, máy bay Mỹ cùng lúc đánh vào 5-6 địa điểm trong xã, nhất là trung tâm xã. Nghe tiếng kêu thất thanh, cả làng nhốn nháo chạy đến. Lúc này, học sinh nằm la liệt giữa hố bom, lán học lớn nhất trường biến mất. Có học sinh thoát nạn, chân khập khiễng đi ra từ đống đổ nát, hốt hoảng nói với cô giáo "Cô ơi, các bạn chết hết rồi!". Cảnh tượng này khiến tôi nhớ mãi", ông An bật khóc, kể lại.

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 9

Sau tiếng bom nổ, lán học nằm cạnh lũy tre xanh bỗng chốc thành bãi chiến trường, nhà cửa bị cày xới, để lại những bụi tre bị đốn cụt ngọn, phủ lên một màu đen kịt, khét lẹt.

Tiếng kêu cứu thất thanh, kẻng báo động đánh liên hồi. "Lúc đó, toàn bộ học sinh cùng lao đến để cứu các bạn đang nằm giữa đống đổ nát. Tôi vừa chạy đến thì lời nói của thầy hiệu trưởng Quách Vĩnh Lộc như mệnh lệnh "Em lấy xe thầy đạp xe về huyện thông báo Trường cấp III Lý Tự Trọng bị ném bom".

Nghe vậy, tôi tâm trí hoảng loạn nhưng vẫn bình tâm nhận lệnh đạp xe lên huyện thông báo", bà Nguyễn Thị Ngọc Lân, cựu học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng, kể trong nhật ký. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lân ngày ấy là cô học trò khóa 1966-1969 của Trường cấp III Lý Tự Trọng. Ngày nhà trường bị ném bom, cô học trò nhận nhiệm vụ xuống huyện thông báo tình hình để hỗ trợ ứng cứu.

Con đường đất đỏ quen thuộc hàng ngày đến lán học với nhiều niềm vui, nhưng chuyến ngược xuống huyện lần ấy của cô học trò Ngọc Lân thật dài mà rất khó khăn. Hình ảnh lán học bị biến mất như thôi thúc cô học trò Ngọc Lân đạp xe thật nhanh, vì sớm được hơn giây nào các bạn đỡ đau thêm giây đó. 

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 11

"Cuối cùng gặp các chú ở huyện ủy, tôi chỉ kịp nói "Các chú ơi, Trường cấp III Lý Tự Trọng bị bom rồi", lời nói ra trong tiếng thở dốc nhưng nhói đau tận lồng ngực", cựu học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng, chia sẻ. 

32 học sinh lớp 9A lần lượt được gọi tên, chỉ 16 bạn còn sống nhưng hầu hết đã bị thương, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Chính quyền địa phương, bộ đội, giáo viên và rất đông người dân đến hỗ trợ đưa người bị thương đến bệnh viện, đồng thời tìm kiếm và hỗ trợ mai táng 16 học sinh tử nạn. 

Ám ảnh trận ném bom Trường Lý Tự Trọng: Cô ơi các bạn chết hết rồi! - 13

Về khuya, trời chuyển mưa dông, ánh sáng từ ngọn đèn dầu le lói chiếu lên những mảnh vụn vỡ giữa bãi đất trống, không khí tang thương bao trùm.

Giữa đống đổ nát, có những bước chân run rẩy, bàn tay yếu ớt bới đất như tìm chút hy vọng sống cho người thân của mình.

Sau đó, 16 học sinh lần lượt được tìm thấy, nhận dạng và đưa đến cồn cát Miệu Nen, cách hiện trường chừng 3km an táng ngay trong đêm.

Để đánh dấu từng ngôi mộ, thầy giáo dạy sử Đoàn Duy Xuân nén lòng xẻ những tấm gỗ ở bàn học để ghi tên từng em cùng lời thơ:

"Các em ngàn năm yên nghỉ

Thầy âm thầm làm mộ chí

Cưa xẻ gỗ mà lòng đau

Nét chữ son lầm máu đổ".

Từ đêm đến rạng sáng 20/8/1968, máy bay Mỹ vẫn quần thảo suốt ở khu vực này, pháo thả sáng rực cả một vùng rộng lớn. Cũng sau sự kiện đó, nhiều học sinh viết thư xin lên đường nhập ngũ, chống Mỹ cứu nước, trả thù cho bạn. Nhiều người đã lập được những chiến công, nhưng cũng có những người lính anh dũng hy sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 13 năm, từ năm 1970 đến năm 1983, có 130 liệt sĩ là giáo viên, học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng.

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Thủy Tiên