Sữa giả… giá chát
Bố tôi tay run run chỉnh lại chiếc kính lão để chắc chắn nhìn rõ tên nhãn hiệu, các chi tiết trên vỏ hộp sữa dành cho người tiểu đường mà mấy tháng gần đây mẹ tôi vẫn uống. Ông không tin vào mắt mình khi những hộp sữa được mua từ một siêu thị sữa gần nhà giống y loại sữa nằm trong số 573 sản phẩm của đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả vừa bị triệt phá. Sữa đã uống, hóa đơn không còn giữ lại, giá mua cũng chẳng hề rẻ, thậm chí là cao.
Phẫn nộ và lo lắng nhưng cũng chỉ có thể uất ức, không biết phải làm gì khác.
Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng chung tâm trạng như bố tôi, một nạn nhân của sữa giả. "Cảm giác đắng nghẹn, tức hết lồng ngực, vì cốc sữa đầu tiên sau ca mổ tim của mẹ là sữa giả", "vừa sinh con xong, uống hết hộp sữa mới bàng hoàng biết là sữa giả"… là những chia sẻ của một số người tiêu dùng với phóng viên Dân trí. Biên tập viên Thu Hà của VTV cũng bày tỏ nỗi bàng hoàng, đau lòng khi phát hiện, những cốc sữa dinh dưỡng đầu tiên cho chồng chị uống tại bệnh viện sau ca phẫu thuật não đầy cam go 4 tháng trước là sữa giả.
Hầu hết người tiêu dùng không có kiến thức chuyên môn để hiểu và đánh giá chi tiết các thành phần ghi trên nhãn sữa, cũng như khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, nhất là khi các sản phẩm đó được khuyên mua bởi bác sĩ, dược sĩ, được quảng cáo bởi một số người nổi tiếng và được mua trong bệnh viện, trong những cửa hàng lớn.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Thiếu tướng Tuyên khẳng định, các đơn vị nghiệp vụ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo để tăng sức răn đe, phòng ngừa.

Một số sản phẩm sữa giả mà người tiêu dùng vô tình uống phải, có loại lọt qua kênh đấu thầu vào bệnh viện lớn (Ảnh: NVCC).
Vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả có thể coi là hồi chuông báo động về sự lộ liễu, hoành hành của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường. Khi nhắc tới "hàng giả" - tức những mặt hàng bị cấm sản xuất, kinh doanh - chúng ta thường nghĩ đến tình trạng buôn bán chui lủi, xuất hiện ở những góc khuất thị trường. Vậy nhưng thực tế cho thấy tội phạm ở lĩnh vực này đang càng trở nên liều lĩnh và thách thức khi thuê quảng cáo rầm rộ khắp các nền tảng mạng xã hội, luồn lách vào một số địa chỉ được người dân tin cậy.
Dư luận chưa kịp lắng xuống với sản phẩm kẹo rau củ, sữa giả thì đã phải ớn lạnh với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng khác bị phơi bày.
Mới ít ngày qua, cơ quan công an đã liên tục triệt phá hàng loạt vụ án lớn tại nhiều địa phương: Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, khởi tố và bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả với tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc giả thu giữ được lên tới gần 10 tấn.
Tại Nghệ An, lực lượng chức năng thu giữ gần 2.000 thùng chứa khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ. Tổng lượng giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được các cơ sở bán ra thị trường từ tháng 6/2024 khoảng 3.500 tấn. Ngoài ra còn phân bón giả, thậm chí là thuốc diệt chuột cũng giả!
Chỉ nghĩ đến đã có bao nhiêu người bệnh dùng phải thuốc giả, bao nhiêu người già, trẻ nhỏ uống phải sữa giả, bao nhiêu người dân tiêu thụ hết hàng nghìn tấn, xin nhấn mạnh là hàng nghìn tấn giá đỗ kia… cũng đủ cảm thấy phẫn nộ vì tính chất bất lương, tàn nhẫn của những đối tượng kiếm tiền bất chấp, làm giàu trên sức khỏe, tính mạng của đồng bào.
Nhưng nhìn lại những năm qua, làn sóng phẫn nộ của dư luận, của người tiêu dùng bao lần cuồn cuộn song cũng chưa thể "nhấn chìm" được phương cách làm giàu bất chính khi mà những lỗ hổng trong công tác quản lý vẫn còn đó, địa chỉ trách nhiệm không rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Liệu có tồn tại những "lỗ hổng, khoảng trống" trong công tác quản lý thị trường sữa và trong các văn bản pháp lý? Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng kiến nghị làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng "một mâm cơm 5 người quản lý".
Việc quá nhiều cơ quan cùng quản lý một đối tượng không những dễ gây chồng lấn chức năng nhiệm vụ, kém hiệu quả, không quy được trách nhiệm cụ thể mà còn có thể phát sinh những tình huống phiền nhiễu. Thành ra, có doanh nghiệp than vãn tình trạng thanh, kiểm tra dày đặc, lại có những "con voi chui lọt lỗ kim", không ai chịu trách nhiệm.
Do đó, trong khi đã có các bộ tiêu chuẩn đánh giá cụ thể về từng loại sản phẩm, để phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không phải là ban hành thêm các loại văn bản và điều kiện kinh doanh, đi ngược lại với tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, mà cần tăng cường khâu hậu kiểm, rà soát chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị Nhà nước, tránh chồng lấn và có thể quy rõ trách nhiệm.
Không phải mọi nhóm sản phẩm đều được tự công bố theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP mà có những nhóm thực phẩm bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Và ngay cả trường hợp tự công bố thì việc để lọt khâu hậu kiểm suốt một thời gian dài khó mà nói là không có sự buông lỏng.
Sữa giả, thuốc giả khó phân biệt, nhưng ngay cả một số hàng hóa biết thừa là giả như sách giả, quần áo nhái nhãn hiệu, thực phẩm "bẩn" bày bán công khai, tràn lan tại các chợ dân sinh, khắp các sàn thương mại điện tử và trên mạng xã hội, chẳng nhẽ cơ quan chức năng không biết? Người dân phải "săn đồ sạch", phải tự trồng rau sạch, tự làm giá đỗ để phục vụ nhu cầu, điều bất thường này đang trở nên quá đỗi bình thường ở ta. Đó là thực tế cần suy nghĩ. Các đường dây nóng của cơ quan chức năng, của doanh nghiệp nhận phản hồi của người dân về tình trạng hàng giả, hàng nhái lâu nay hoạt động như thế nào?
Đại diện Bộ Công an cho hay sẽ rà soát sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng, từ đó tham mưu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, không để các đối tượng lợi dụng để phạm tội.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại. Một khi còn thực trạng người dân "bình thường hóa" sự hiện diện của hàng giả, còn tặc lưỡi dùng đồ giả nhãn hiệu (hàng nhái, "fake"), không coi trọng nguồn gốc sản phẩm và giá trị sáng tạo… thì sự tồn tại của hàng giả hãy còn dai dẳng.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!