Tiểu thương thu hàng tỷ đồng/tháng, thoát phá sản nhờ "dám bỏ chợ"
(Dân trí) - Đối mặt với khoản nợ lớn, liên tục gồng lỗ nhiều tháng và phải đóng cửa loạt sạp hàng khiến không ít tiểu thương chợ truyền thống quyết định chuyển hẳn sang bán hàng online, tự cứu mình.

Thay đổi ngay khi biết bản thân… hết thời
Chị Phạm Thị Ngân Huyền (30 tuổi) từng là tiểu thương chợ truyền thống ở Thanh Hóa. Ban đầu, ki-ốt của chị Huyền thu về khoảng 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến việc kinh doanh lao đao, doanh thu giảm hơn một nửa, có ngày không bán được hàng.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần như không còn, trong khi chị vẫn phải lo cho hai con. Không thể cầm cự lâu hơn, chị Huyền quyết định thanh lý hàng, trả ki-ốt và tạm dừng kinh doanh để tìm hướng đi mới.
Năm 2022, nhận thấy xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, cô gái quyết định thay đổi phương thức kinh doanh, dành 5 triệu đồng để tham gia một khóa học bán hàng online kéo dài một tháng.
"Sau giai đoạn thử nghiệm, tôi nhận thấy hình thức kinh doanh này mang lại nguồn thu đáng kể. Mỗi ngày, tôi phát livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) từ 4 đến 5 tiếng, đôi lúc phải tăng cường thêm các buổi tối. So với mô hình bán hàng truyền thống, kinh doanh trực tuyến giúp chị tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và cắt giảm đáng kể các chi phí vận hành không cần thiết", chị Huyền nói.
Mỗi phiên livestream, doanh thu bất ngờ đạt ngưỡng hàng chục triệu đồng khiến nữ tiểu thương vô cùng bất ngờ. Chính bản thân chị cũng chưa từng nghĩ việc kinh doanh online lại dễ tiếp cận khách hàng đến thế. Chị Huyền hối hận vì bản thân không bắt đầu sớm hơn.



Hiện kênh TikTok của Huyền có hơn 53.800 người theo dõi, tạo nguồn khách hàng trung thành. Không như nhiều tiểu thương kết hợp hai hình thức, Huyền chuyển hẳn sang bán online.
Cô đầu tư mở xưởng sản xuất thay vì thuê mặt bằng cửa hàng, đồng thời tạo việc làm cho 15 lao động mất việc từ các nhà máy. Những tháng cận Tết, xưởng hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca cuối tuần mới kịp đáp ứng lượng đơn hàng lớn.
Anh Võ Thành Luân là CEO (giám đốc điều hành) của dự án "Nhà của thời thanh xuân" (tại tỉnh Lâm Đồng). Hơn 1 năm qua, tiệm trà của anh đã trở thành chỗ livestream, lắp đầy các thiết bị ghi hình, ánh sáng. Quầy pha chế và bàn làm việc thì "biến đổi" thành chỗ trưng bày sản phẩm mà anh Luân đăng bán trên kênh online (trực tuyến).


Ông chủ tiệm trà từng sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh tinh dầu, xà phòng… nổi tiếng khắp cả nước, giờ đứng trước máy quay nói liên tục hàng giờ liền, "chốt đơn" doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi phiên livestream. Nam CEO bộc bạch bản thân cảm thấy hạnh phúc vì đã dám thay đổi, cứu cả cơ nghiệp suýt rơi vào cảnh phá sản.
"Chỉ có mình mới có thể tự cứu mình", anh Luân nói.
Năm 2016, nam CEO đến một vùng núi ở Đà Lạt, thành lập dự án hỗ trợ người câm, điếc có trải nghiệm nghề nghiệp, tiếp cận xã hội và học cách sống tự chủ. Tại đây, anh xây dựng quán trà và vùng nguyên liệu lớn nhằm sản xuất tinh dầu, xà phòng, đồ trang trí từ cây cỏ ở Đà Lạt.
5 năm sau, công việc tiến triển tích cực nên anh mở rộng quy mô cửa hàng tại Hội An, TPHCM, Hà Nội cùng hàng chục đại lý bán lẻ trên cả nước.
Thế nhưng, giai đoạn trong và sau dịch Covid-19 bỗng khiến mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn. Tiệm trà, các cửa hàng kinh doanh đột ngột vắng khách, sức mua giảm chưa từng thấy.
Thua lỗ kéo dài, nam CEO không nỡ sa thải những nhân viên là người khiếm thính nên cố gắng gồng một thời gian. Hậu quả, anh phải đóng cửa 3 cơ sở ở Hội An, TPHCM và một xưởng xà phòng ở Đà Lạt, đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỷ đồng.
Đứng trên bờ vực phá sản, anh Luân nhận thấy cách kinh doanh theo kiểu truyền thống không còn phù hợp. Vì thế, anh chuyển sang bán online các mặt hàng tự sản xuất. Chàng trai bắt đầu học hỏi từ các bước đơn giản nhất, trang bị dụng cụ cho phiên livestream và kêu gọi các bạn khiếm thính cùng đồng hành.
Dù không có đơn hàng, Luân vẫn duy trì livestream 3-5 giờ/ngày. Mỗi lần thất bại, làm chưa hay, anh lại tham khảo ý kiến bạn bè, đội ngũ của mình và hoàn thiện hơn.
Tháng 9/2023, anh và đội ngũ vỡ òa khi lần đầu đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, với 30.000 đơn hàng được bán ra. Giờ đây, anh không chỉ giữ được việc làm cho nhân viên mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động khác nhờ các công đoạn đóng gói.


Chuyển hẳn sang nghề khác
Nguyễn Thị Kim Ngân (26 tuổi, sống tại huyện Ô Môn, TP Cần Thơ) từng có 6 năm kinh doanh quần áo tại chợ truyền thống.
Đến năm 2021, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua tại các chợ truyền thống giảm mạnh do ảnh hưởng của thương mại điện tử. Lượng khách ít dần, thu nhập của các tiểu thương ở chợ không còn ổn định như trước.


Cùng lúc, Ngân trải qua cú sốc lớn khi hay tin bà ngoại đột ngột qua đời. Điều này khiến cô càng suy nghĩ nhiều về giá trị của gia đình, sự bình yên và hướng đi bền vững cho tương lai.
Dù công việc kinh doanh vẫn có thể cầm cự, nhưng cô nhận ra nếu không thay đổi sớm, tương lai sẽ ngày càng bấp bênh.
Quyết định về quê lập nghiệp của Ngân không được gia đình ủng hộ ngay từ đầu. Bố mẹ lo lắng cô sẽ không trụ nổi với công việc tay chân vất vả. Nhưng với Ngân, đây là cơ hội để theo đuổi lối sống mà cô luôn mong muốn.
Tránh việc thay đổi trở nên quá mạo hiểm, Ngân vừa duy trì việc kinh doanh ở chợ, vừa bắt đầu những bước đầu tiên cho việc làm nông trên mảnh đất 1.500m2 của bà ngoại để lại.
Đó là một mảnh vườn hoang với rất nhiều chuối, cỏ dại và đất bạc màu. Những ngày đầu, cô gần như kiệt sức với khối lượng công việc khổng lồ. Một mình Ngân dọn dẹp từng bụi chuối lớn, đào ao, cuốc đất, san nền… có hôm đẩy xe gạch, cát, đá cả ngày trời. Đêm về, cô mệt đến mức đặt lưng xuống là ngủ mê mệt.
"Thay đổi không bao giờ là chuyện dễ dàng. Nửa năm đầu, mọi thứ diễn ra vô cùng khó khăn. Tôi từng nghĩ về quê làm vườn sẽ đơn giản, nhưng hóa ra không phải cứ gieo hạt xuống là có rau ăn. Đất không tốt thì cây không thể sống, nước không đủ thì cây cũng héo. Cây trồng thường xuyên chết, rau không phát triển như mong đợi, khiến tôi nhiều lần nản chí", Ngân bộc bạch.
Thế nhưng, cô không cho phép bản thân bỏ cuộc. Thấy con gái vất vả, bố mẹ ngỏ ý giúp đỡ, hỗ trợ làm hệ thống tưới nước, chọn giống cây trồng để đỡ đần khó khăn, thử thách.
Để quảng bá sản phẩm, chị Ngân thử ghi lại cảnh tự tay cuốc đất, hái rau, bắt cá và đăng tải lên TikTok, YouTube. Bất ngờ, người xem yêu thích và bày tỏ mong muốn được đến tận nơi trải nghiệm. Thậm chí, nhiều du khách đi hàng chục km để đến thăm khu vườn của Ngân.


Từ đó, cô nảy ra ý tưởng kết hợp làm du lịch sinh thái, vừa để quảng bá quê hương, vừa tạo nguồn thu nhập bền vững.
Cô cải tạo lại khu vườn, trồng thêm nhiều loại cây ăn trái. Một ao cá nhỏ được đào để khách có thể tự tay bắt cá dưới mương. Không gian được thiết kế theo phong cách miền Tây xưa, với những chòi lá mộc mạc, bếp củi để khách nấu ăn.
Hằng ngày, cô dậy từ 5h30 để cuốc đất, đào mương, có hôm đến 22h mới xong việc. Vất vả nhưng Ngân cảm thấy hạnh phúc bởi khu vườn ngày càng thu hút khách. Cô cũng được sống trong môi trường, làm công việc mà mình yêu thích.
Ngân không muốn mô hình của mình mang tính thương mại hóa quá mức, mà ưu tiên trải nghiệm chân thực, gần gũi. Vì vậy, cô chỉ nhận 1-2 nhóm khách mỗi tuần để đảm bảo chất lượng phục vụ. Du khách đến đây không chỉ hái rau, bắt cá, nấu ăn mà còn có thể nghe cô kể về hành trình lập nghiệp đầy thử thách.
Hiện tại, vườn của Ngân không chỉ là điểm du lịch sinh thái mà còn trở thành cầu nối giúp du khách hiểu hơn về văn hóa miền Tây.
Trong tương lai, cô mong muốn mở rộng mô hình này bằng cách phát triển thêm vườn rau sạch, kết hợp với các hộ dân địa phương để tạo điểm tham quan nông nghiệp, giúp bà con tăng thu nhập.
"Mình muốn làm du lịch sinh thái thực sự chất lượng, để mỗi người đến đây không chỉ thư giãn mà còn cảm nhận được nét đẹp chân thật của miền Tây", Ngân chia sẻ.