Thế tiến thoái lưỡng nan của tiểu thương chợ truyền thống
(Dân trí) - Gồng lỗ mấy năm qua, tiểu thương chợ truyền thống có người quyết định bỏ cơ nghiệp hàng chục năm để làm nghề khác, có người cố gồng gánh, bám trụ dù không biết sẽ phải thay đổi thế nào.

Hết cảnh lỗ đến… hòa vốn
Hơn 16h, dù là ngày cuối tuần nhưng chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TPHCM) chỉ lác đác vài khách. Khu chợ đêm từng nổi tiếng với cảnh tấp nập sinh viên, người lao động lui tới. Hàng hóa nơi đây vốn phong phú, bình dân, hợp túi tiền mọi người. Nhưng cảnh người bán kẻ mua xôm tụ đó giờ không còn, chỉ cả chợ đìu hiu, người bán ngồi nhìn nhau, hóng khách.
Ông Hòa (61 tuổi, quê tại TP Huế) là chủ sạp hàng bán giày, dép ở góc đầu tiên của lối vào khu chợ. Bỏ số tiền lớn để thuê mặt bằng đẹp nhưng thực tế, theo lời ông chủ: "Sạp tôi cũng ế như bao người khác".


Từ sạp hàng có 5-6 nhân viên túc trực, bán không kịp nghỉ, doanh thu hàng chục triệu đồng/ngày nay cứ ế dài. Doanh thu của sạp mỗi ngày chỉ vài trăm nghìn đồng, cầm cự lâu nay.
Áp lực "phải lãi ít nhất 2-3 triệu đồng/ngày mới mong huề vốn" khiến ông Hòa méo mặt. Anh em ông Hòa đã rót hết vốn liếng, từ Huế vào đây lập nghiệp 3 năm trước sau khi thăm thưng, thấy tiểu thương tại khu chợ làm ăn khấm khá. Ông và các anh hùn vào nhiều tiền lắm vì mặt hàng thời trang đòi hỏi vốn lớn.
3 anh em tiểu thương Nam tiến mang theo khát vọng, quyết tâm làm giàu nơi mảnh đất chấp nhận người dân tứ xứ, "miễn là chịu khó". Thời gian đầu, việc kinh doanh tốt đẹp, khách đến sạp đồ nườm nượp đến tận đêm.


Nhưng chỉ sau 1 năm, sức mua bắt đầu giảm dần. Doanh thu không đủ chi cho các khoản phí ngót nghét cũng phải 50 triệu đồng/tháng, buộc ông Hòa phải sa thải hết nhân viên. Giờ đây, 3 anh em chia nhau tự nhập, soạn hàng, tư vấn cho khách, kiêm luôn việc dắt và trông xe.
Chỉ tay về phía hàng dài những sạp đồ thời trang ở khu chợ, ông Hòa cho hay, tiểu thương nào cũng phải cắt giảm chi phí vậy, vì tình hình khó khăn chung.



Kinh doanh ở khu chợ hơn 20 năm, bà H.N. (49 tuổi) nói chưa từng thấy cảnh ế ẩm như những năm vừa qua. Bà N. phải bỏ 1 sạp hàng vì không gồng nổi các chi phí. Từ 10 nhân viên túc trực ở tiệm, bà N. cũng sa thải bớt, chỉ còn giữ lại 3 người.
"Doanh thu và lượng khách giảm hơn một nửa so với trước. Ai không phải thuê mặt bằng như tôi thì còn trụ được, ngược lại thì khó khăn lắm", bà N. nói.
Năm ngoái, bà N. thử đăng sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử nhưng chỉ vài tháng sau đành bỏ cuộc vì không thể cạnh tranh lại với các thương hiệu khác trên thị trường.
Mất tiền tỷ, bỏ sạp để "cắt lỗ"
Chị Thu Phương (38 tuổi), chủ sạp quần áo ở chợ An Đông Plaza (quận 5, TPHCM), ngồi trầm ngâm, rệu rã vì cả ngày chỉ bán được vài đơn. Việc kinh doanh giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào 20% mối sỉ còn gắn bó. 80% khách quen hiện đã "bặt vô âm tín".
"Khách hàng chủ yếu đặt đơn qua điện thoại nhưng số lượng nhập hàng của chúng tôi vẫn giảm dần vì lấy nhiều bạn hàng cũng không bán hết nổi. Chợ lúc nào cũng vắng, người đến tận sạp để lựa giờ hiếm lắm", chị Phương chia sẻ.


Thuê 2 sạp hàng ở khu chợ, nhưng chỉ có một mình chị Phương quản lý vì không đủ tiền thuê nhân viên. Từ vai bà chủ, chỉ lo chuyện nhập hàng, cùng điều hành sạp quần áo, giờ chị em chị Phương phải chạy vạy khắp nơi, kinh doanh thêm nhiều lĩnh vực khác để có khoản gồng gánh cơ nghiệp.
Chị gái của chị còn phải sang tận nước ngoài, lựa chọn mẫu hàng mới để nhập về, cạnh tranh với các mặt hàng bán trực tuyến trên thị trường.
"Tôi rất ủng hộ chị bỏ nghề. Lắm lúc, chị cũng thoáng nghĩ đến chuyện đó nhưng rồi lại thôi. Cửa hàng này gắn bó với chúng tôi rất lâu nên giờ bỏ chị ấy bảo tiếc lắm. Năm nào hai chị em cũng tự động viên nhau cố sang năm tới thử xem sao, nhưng càng ngày mọi thứ càng khó khăn", chị Phương bộc bạch.
Nghĩ đến chuyện "sáng dọn ra, chiều dọn vô", nữ tiểu thương vẫn không hình dung nổi, thời hoàng kim buôn bán tấp nập, soạn hàng đến tối muộn mới như vừa ngày hôm qua.


Nhìn những tiểu thương mới dọn đến khu chợ rồi trong thời gian ngắn lần lượt trả sạp vì không trụ nổi, chị Phương không khỏi ngán ngẩm. Thực tế, nhiều sạp hàng tại đây đã "cửa đóng then cài", treo biển cho thuê lại từ lâu, nay vẫn chưa có chủ mới.
"Chỉ những ai buôn bán lâu năm mới đủ mối để cầm cự, gồng gánh, bởi trước đây họ kinh doanh khấm khá, giờ dành phần tiền đó "nuôi" cửa hàng vượt qua giai đoạn khó khăn", chị Phương nói.
Nữ tiểu thương nhận định, nguyên nhân buôn bán ế ẩm ở chợ truyền thống là do tình hình khó khăn chung, người dân đang phải thắt chặt chi tiêu. Đối tượng mua sắm ở chợ chủ yếu là công nhân hoặc học sinh, sinh viên, những người có thu nhập trung bình. Giờ khi người lao động mất việc, sinh viên cũng phải bươn bả mưu sinh, các tiểu thương mất luôn lượng lớn khách quen.


Yếu tố quan trọng nhất, xu hướng mua hàng trực tuyến tăng khiến khách hàng, đặc biệt là khách trẻ tuổi không còn mặn mà đến chợ truyền thống nữa.
"Việc kinh doanh trực tuyến dần trở nên quá tiện lợi, dễ dàng nên chính người mua giờ cũng trở thành người bán. Điều này khiến "miếng bánh" ngày càng bị chia nhỏ", chị Phương bày tỏ.
Anh Trịnh Thế Hưng (36 tuổi), tiểu thương tại chợ An Đông Plaza, cho hay dù ban quản lý đã giảm giá thuê sạp, tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán nhưng các chủ hàng vẫn mắc kẹt trong thế "tiến thoái lưỡng nan". Theo lời anh Hưng, nhiều đồng nghiệp đã chấp nhận mất hàng tỷ đồng, bán sạp, bỏ nghề để... cắt lỗ.

"Tiểu thương chợ truyền thống đa phần ở độ tuổi trung niên, giờ nghỉ ngang thì xin việc rất khó, khởi nghiệp lại từ đầu ở lĩnh vực mới càng nhiều thách thức. Chúng tôi cũng thử xoay qua bán trực tuyến nhưng mọi thứ không dễ dàng. Bởi tiểu thương chợ truyền thống chuyên bán sỉ, giờ bán lẻ online chẳng khác nào cạnh tranh với chính khách sỉ của mình.
Nếu chuyển hẳn sang bán lẻ thì quá mạo hiểm vì phải bỏ hẳn tệp khách sỉ, lại phải đương đầu với thị trường bán lẻ quá cạnh tranh. Tiến không được, lùi không xong, tiểu thương chợ truyền thống giờ chỉ biết ngồi… chờ", anh Hưng thở dài.
Nếu sắp tới, tình hình vẫn còn khó khăn và không còn sức bám trụ, anh Hưng đã tính đến chuyện học nghề hoặc chuyển hướng, kinh doanh lĩnh vực khác.