Đang bảo lưu bảo hiểm xã hội mà chết thì mất trắng số tiền đã đóng?
(Dân trí) - Nhiều người nghỉ việc sau 1 năm là rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì lo lắng chẳng may mình qua đời sẽ mất số tiền bảo hiểm đã đóng trong thời gian dài.
Theo BHXH Việt Nam, lũy kế đến hết tháng 3/2025, toàn quốc có 267.493 người lao động hưởng BHXH một lần, giảm gần 70.000 người so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người lao động ngày càng tin tưởng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của chính sách BHXH.
Tuy nhiên, nếu so sánh với quy mô tham gia BHXH trên cả nước hiện nay là hơn 18,8 triệu người thì con số 267.493 người lao động hưởng BHXH một lần trong 3 tháng vẫn là khá lớn.

Nhiều lao động hiểu lầm là đang bảo lưu quá trình đóng BHXH mà qua đời thì mất trắng số tiền đã đóng BHXH (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Báo cáo của ngành lao động và công đoàn đều giải thích nguyên nhân tình trạng rút BHXH một lần là do người lao động gặp khó khăn về tài chính, cần tiền giải quyết việc riêng… Họ xem BHXH như một khoản tiết kiệm để rút khi cần tiền mà không để ý đến an ninh tài chính khi về già, bảo đảm an sinh khi hết tuổi lao động.
Ngoài ra, nhiều người lao động rút BHXH một lần chỉ vì hiểu sai bản chất của BHXH. Họ nghĩ rằng bản thân sẽ thiệt thòi nếu chẳng may chết sớm khi vừa lãnh lương hưu được vài tháng, hay đang bảo lưu quá trình đóng BHXH để chờ đến tuổi nghỉ hưu mà qua đời thì mất trắng số tiền đã đóng BHXH…
Theo BHXH Việt Nam, người lao động đang đóng BHXH, hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết thì số tiền họ đã đóng BHXH không mất đi mà chuyển thành chế độ tử tuất để thân nhân của họ sẽ được hưởng. Đây là chính sách nhằm đảm bảo an ninh tài chính cho gia đình khi chẳng may lao động chính trong nhà qua đời.
Cụ thể, thân nhân của họ được hưởng chế độ tử tuất bao gồm 2 khoản: Mai táng phí và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng).
Thứ nhất, người lo mai táng cho người lao động qua đời (đã đóng BHXH đủ 12 tháng) được hưởng một lần trợ cấp mai táng, mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết. Hiện trợ cấp mai táng được tính là 23,4 triệu đồng.
Thứ hai, trong trường hợp người lao động qua đời khi đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên và chưa hưởng BHXH một lần, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Theo đó, có tối đa 4 thân nhân thuộc 4 nhóm sau được nhận trợ cấp tuất hằng tháng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng mà mỗi thân nhân được nhận bằng 50% mức lương cơ sở (hiện là 1.170.000 đồng/tháng).
Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng cho mỗi thân nhân bằng 70% mức lương cơ sở (hiện là 1.638.000 đồng/tháng).
Đây là khoản tiền để đảm bảo cho con trẻ (dưới 18 tuổi), cha mẹ già (hết tuổi làm việc)… của người lao động có khoản trợ cấp hằng tháng để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vì lao động chính trong nhà qua đời.
Trong trường hợp thân nhân của người lao động qua đời không thuộc diện được nhận trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc thuộc diện được nhận trợ cấp tuất hằng tháng nhưng họ không muốn hưởng trợ cấp này thì có thể lựa chọn nhận trợ cấp tuất một lần (ngoại trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ/chồng của người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).
Mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm mà người lao động đã đóng BHXH giống như mức hưởng khi rút BHXH một lần.
Cụ thể, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Tức là, nếu rơi vào trường hợp này, người lao động được nhận số tiền còn cao hơn rút BHXH một lần (được thêm chế độ mai táng phí 23,4 triệu đồng).