1. Dòng sự kiện:
  2. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  3. Tại sao lại thế?

Tàu của tỷ phú Mỹ đưa hạt sen Việt Nam lên vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Amanda Nguyễn, cô gái gốc Việt, đã mang theo 169 hạt sen giống của Việt Nam lên vũ trụ, rồi quay trở về Trái Đất thành công.

Sứ mệnh lịch sử thành công

Tàu của tỷ phú Mỹ đưa hạt sen Việt Nam lên vũ trụ - 1

Tàu New Shepard thành công đưa phi hành đoàn toàn bộ là nữ lên vũ trụ (Ảnh: Blue Origin).

Đúng 20h30 tối 14/4, hệ thống phóng tái sử dụng New Shepard của công ty Blue Origin đã thực hiện chuyến bay thứ 31, đưa phi hành đoàn toàn nữ lần đầu tiên bay vào không gian và hạ cánh an toàn chỉ sau khoảng 10 phút.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1963, một nhóm toàn phụ nữ tham gia sứ mệnh vũ trụ, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành hàng không vũ trụ.

Phi hành đoàn gồm 6 phụ nữ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau: Lauren Sánchez - nhà báo kiêm phi công; Amanda Nguyễn - nhà hoạt động xã hội gốc Việt; Aisha Bowe - kỹ sư hàng không vũ trụ người Mỹ gốc Bahamas; Katy Perry - ca sĩ nổi tiếng toàn cầu; Gayle King - nhà báo kỳ cựu; và Kerianne Flynn - nhà sản xuất phim.

Khoảng 4 phút sau khi rời bệ phóng tại Tây Texas, tầng tên lửa đẩy tách khỏi khoang hành khách RSS Karman Line, rồi hạ cánh sau 8 phút. Trong khi đó, khoang chở người tiếp tục di chuyển vào vùng cận quỹ đạo, vượt qua Đường Kármán ở độ cao khoảng 100 km.

Đây được xem là ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và không gian, vì mang đến cho phi hành đoàn cơ hội trải nghiệm trạng thái không trọng lượng. Sau khoảng 10 phút, khoang hành khách hạ cánh an toàn nhờ hệ thống dù, kết thúc hành trình ngắn nhưng mang theo nhiều ý nghĩa lớn.

Trong đó, không thể không kể tới việc phi hành gia Amanda Nguyễn mang theo 169 hạt sen giống (tên khoa học: Nelumbo nucifera) - loài thực vật biểu tượng của văn hóa Việt Nam - trong hành trình.

Đây là một phần của chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nhằm đánh giá tác động của môi trường không gian đối với sự nảy mầm và phát triển của thực vật.

Vì sao hạt sen được lựa chọn để mang lên vũ trụ?

Tàu của tỷ phú Mỹ đưa hạt sen Việt Nam lên vũ trụ - 2

Việc chọn hạt sen mang lên vũ trụ mang ý nghĩa biểu tượng cho khoa học Việt Nam vươn ra thế giới (Ảnh minh họa).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả, cho biết, việc lựa chọn hạt sen để mang lên không gian dựa trên nhiều yếu tố khoa học và văn hóa. Trong đó, hai yếu tố liên quan tới khả năng bảo quản lâu dài và giá trị sinh học của sen được đánh giá cao.

"Hạt sen nổi tiếng với khả năng bảo quản trong thời gian rất dài mà vẫn duy trì được khả năng nảy mầm", PGS TS Đặng Văn Đông cho biết. "Đã từng có nghiên cứu cho thấy hạt sen có thể nảy mầm sau hàng trăm năm, nhờ cấu trúc vỏ hạt bền vững, chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt. Vì thế điều này rất phù hợp để nghiên cứu tác động của không gian lên vật liệu di truyền lâu bền".

Vị chuyên gia cũng cho rằng: "Sen là loài thực vật có giá trị cao về dinh dưỡng, dược liệu và sinh thái học, nên kết quả nghiên cứu có thể mở rộng sang nhiều hướng như thực phẩm không gian, dược phẩm sinh học hoặc cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu".

Không chỉ gồm các yếu tố khoa học, sen còn mang tính biểu tượng văn hóa Việt Nam. "Việc chọn hạt sen mang lên vũ trụ mang ý nghĩa biểu tượng cho khoa học Việt Nam vươn ra thế giới, và cho người Việt Nam ở nước ngoài như phi hành gia Amanda Nguyễn kết nối với cội nguồn", PGS TS Đặng Văn Đông nhấn mạnh.

Được biết, 169 hạt sen được chọn lần này cũng không phải là sen thông thường, mà là những hạt giống đã qua tuyển chọn kỹ lưỡng từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với những đặc điểm nổi bật như nguồn gen ưu tú, tiềm năng nhân giống cao, và phù hợp cho nghiên cứu sinh học không gian.

Tại đó, các đặc tính hình thái của giống sen đều ổn định, có tỷ lệ nảy mầm cao, dễ thích nghi trong điều kiện bất lợi, dễ bảo quản, dễ phân tích và theo dõi thay đổi hình thái sau khi được đưa trở về Trái Đất.