1. Dòng sự kiện:
  2. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  3. Tại sao lại thế?

Hóa đơn 5.000 tuổi thể hiện cuộc mua bán một thứ chúng ta vẫn đang dùng

Minh Nhật

(Dân trí) - Một tấm bia đất sét nhỏ bé có niên đại 5.000 năm, được khai quật từ vùng đất cổ Lưỡng Hà, đang khiến giới khoa học và khảo cổ học thế giới sửng sốt.

Hóa đơn 5.000 tuổi có thể chứa chữ ký đầu tiên của nhân loại

Theo trang tin Ancient Origins, tấm bia có kích thước chỉ khoảng 7,6cm mỗi cạnh, ra đời vào khoảng năm 3100 TCN, tại thành phố Uruk cổ đại - một trung tâm đô thị phồn thịnh bậc nhất của nền văn minh Sumer, thuộc khu vực Iraq ngày nay.

Mặc dù nhỏ bé và có vẻ ngoài khiêm tốn, hiện vật này lại mở ra cả một chương mới trong hành trình truy tìm nguồn gốc chữ viết của nhân loại.

Theo các nhà nghiên cứu, điểm đặc biệt của tấm bia nằm ở cụm ký tự khắc ở góc trên bên trái, được giải mã là "KU" và "SIM", đọc thành "Kushim".

Hóa đơn 5.000 tuổi thể hiện cuộc mua bán một thứ chúng ta vẫn đang dùng - 1

Tấm đất sét là hóa đơn 5.000 tuổi (Ảnh: Getty).

Nhiều học giả cho rằng đây là tên của một thư ký hoặc người ghi chép thuộc bộ máy hành chính thời bấy giờ - người đã viết ra hóa đơn ghi nhận một lượng lớn lúa mạch được sử dụng trong sản xuất bia.

Cụ thể, dòng chữ được dịch lại là: "29.086 đơn vị lúa mạch, 37 tháng, Kushim".

Tên gọi "Kushim" từng được nhắc đến ít nhất trong 17 tấm bia đất sét khác, khiến các giả thuyết phân hóa: Có người cho rằng đó là tên một cá nhân. Một người quản lý thực sự đã để lại chữ ký đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Có người lại tin "Kushim" có thể là một chức danh hoặc tên của tổ chức hành chính - tương đương như "phòng kế toán" ngày nay. Trong một số tấm bia khác, từ "Sanga" (người trông coi đền thờ) cũng xuất hiện cùng với "Kushim", càng khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn.

Tác giả Yuval Noah Harari, trong cuốn Sapiens: Lược sử loài người, từng gọi đây là một "biên lai cổ đại" - dẫn chứng rõ ràng cho thấy chữ viết đầu tiên của con người ra đời không phải để sáng tác thơ ca hay thần thoại, mà để phục vụ thương mại, kế toán, quản lý hàng hóa và sản xuất.

Người Sumer có thể trả lương bằng bia

Điều khiến hiện vật này trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở nội dung, mà còn nằm trong bối cảnh văn hóa, kinh tế của người Sumer cổ.

Bia thời ấy không đơn thuần là một loại đồ uống. Tại Uruk và nhiều thành bang khác của vùng Lưỡng Hà, bia mang ý nghĩa tôn giáo, xã hội và cả giá trị vật chất.

Người Sumer thậm chí đã sử dụng bia như một phương tiện thanh toán lương cho người lao động, uống trong nghi lễ tế lễ và mô tả quy trình nấu bia một cách tỉ mỉ trên các phiến đất sét.

Trên tấm bia được cho là của "Kushim", các ký hiệu không chỉ ghi lại số lượng lúa mạch, mà còn mô tả quy trình ủ bia: từ việc đo lường nguyên liệu, lên men cho đến đóng vào các lọ đất nung.

Những hoạt động này thường diễn ra tại các đền thờ, nơi vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là kho lưu trữ, nơi sản xuất và là trụ sở hành chính. Qua đó có thể thấy người Sumer đã hình thành một mô hình "nhà máy - ngân hàng - nhà nước" sơ khai từ cách đây hàng thiên niên kỷ.

Tấm bia hiện là một phần trong Bộ sưu tập Schøyen - bộ sưu tập tư nhân lớn và giá trị bậc nhất thế giới. Năm 2020, tấm bia được đưa ra đấu giá tại Anh và được bán với mức giá hơn 230.000 USD, cao gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng khiến giới học thuật dấy lên lo ngại về nạn buôn bán cổ vật, đặc biệt là những hiện vật đến từ vùng xung đột như Iraq. Các cuộc chiến tranh kéo dài đã khiến hàng nghìn hiện vật quý bị đánh cắp, tuồn ra thị trường chợ đen, rơi vào tay các nhà sưu tập tư nhân thay vì được bảo tồn tại nơi chúng thuộc về.

Năm 2018, Mỹ đã hoàn trả cho Iraq hơn 450 hiện vật thời Sumer, nhưng theo giới chuyên gia, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhà khảo cổ học Craig Barker từng nhấn mạnh: "Cướp bóc khảo cổ là hành vi phá hoại văn hóa không thể tha thứ. Những gì còn lại từ nền văn minh rực rỡ ấy đang ngày càng bị cuốn trôi bởi lòng tham và súng đạn".

Bất chấp những tranh cãi xung quanh danh tính thực sự của "Kushim", không ai có thể phủ nhận rằng tấm bia 5.000 năm tuổi ấy là một mốc son đặc biệt trong hành trình tiến hóa của tri thức nhân loại.

Từ một phiến đất sét thô sơ, con người đã lần đầu tiên biết ghi lại thông tin, ký nhận giao dịch.