1. Dòng sự kiện:
  2. Tại sao lại thế?

Động đất ở Myanmar khiến một công trình cổ phát lộ

Phạm Hường

(Dân trí) - Trận động đất mạnh xảy ra ở Myanmar vào ngày 28/3 vừa qua không chỉ làm rung chuyển nhiều vùng đất mà còn hé lộ một phần lịch sử.

Động đất ở Myanmar khiến một công trình cổ phát lộ - 1
Một công trình cổ đã được phát lộ sau trận động đất mạnh tại Myanmar (Ảnh minh họa: Adobe).

Sau cơn địa chấn mạnh 7,7 độ xé toạc mặt đất ở thị trấn Tada-U, một cấu trúc bí ẩn đã bị chôn vùi từ lâu dưới nhiều lớp đất đột nhiên hiện ra. Một số người tin rằng đó có thể là tàn tích của một cung điện cổ xưa từ triều đại hoàng gia cuối cùng của Myanmar.

Những dấu vết ban đầu của di tích này là một cầu thang đá vốn đã được phát hiện vào năm 2009 khi người dân địa phương tình cờ tìm thấy trong khi nung gạch, nhưng phải đến khi trận động đất làm nứt lớp đất thì nhiều cấu trúc khác xung quanh mới phát lộ.

Hiện nay, các nhà khảo cổ học thuộc Cục Khảo cổ học và Bảo tàng Quốc gia Myanmar khẩn trương nghiên cứu địa điểm này. Họ đã phát hiện ra các yếu tố như lan can, bệ gạch và bậc thang đã ẩn giấu trong nhiều thế kỷ.

Chỉ sau vài tuần, giờ đây di tích này đã nhanh chóng được chú ý.

Theo các văn bản cổ viết trên lá cọ được gọi là Pura-pike, các cung điện cổ đại trong Triều đại Konbaung, còn được gọi là Đế chế Miến Điện thứ ba, có cả chức năng tôn giáo và hành chính quốc gia.

Những khu vực rộng lớn này thường được trồng nhiều cây xoài xung quanh, có rất nhiều nhà mái vòm với những chiếc cầu thang đặc biệt.

Một số chuyên gia cho rằng công trình mới vừa phát lộ có nhiều biểu hiện của những đặc điểm đó. Chính vì thế họ suy đoán nơi đây xưa kia là một nơi thiêng liêng, mang tính biểu tượng của lịch sử.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi nhận định này.

Dù vị trí và kích thước của công trình phù hợp với mức độ nguy nga của một cung điện nhưng vật liệu và thiết kế lại giống với các tòa nhà hoàng gia khiêm tốn hơn, chẳng hạn như Tu viện gỗ Inwa Varkara hoặc Tu viện Shwenandaw ở Mandalay.

Có ý kiến cho rằng đây là một tu viện bằng gỗ, thay vì một cung điện cổ đại hoàn chỉnh.

Phát hiện này cũng dẫn đến một số chỉ trích rằng hơn 10 năm trước, các nhà nghiên cứu đã từng tìm hiểu địa điểm này nhưng không tiến hành công việc kỹ lưỡng, đầy đủ. Trận động đất đã khiến họ phải thực sự quan tâm sâu sắc đến công trình này.

Các cơ quan chức năng cho biết họ đã lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và bảo tồn công trình này để giáo dục công chúng.

Cho dù đó là một cung điện cổ đại hay một nơi ở đơn giản hơn của hoàng gia, địa điểm này là lời nhắc nhở về nơi chúng ta với tư cách là một dân tộc đã từng tồn tại, và bất cứ điều gì nằm dưới lòng đất đều xứng đáng được nghiên cứu và ghi nhớ.

Theo bgr.com