Đất nền phía Bắc được quan tâm, giá rao bán tăng bốc
(Dân trí) - Theo dữ liệu của đơn vị nghiên cứu, giá bán đất nền đầu năm nay tại Hưng Yên đã tăng 55%, Bắc Ninh tăng 46%, Hà Nội tăng 42%, Hải Phòng tăng 21%... so với đầu năm 2023.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán tại Hà Nội và các khu vực tỉnh khá sôi động trong những tuần đầu tháng 3. So với tháng 2, nhu cầu tìm kiếm tại Hà Nội đã tăng 27%, tại các tỉnh thành khác tăng đáng kể 75% và tại TPHCM ghi nhận mức tăng 20%.
Trong các phân khúc, tăng trưởng mạnh nhất là đất nền cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Cụ thể, tháng 3, đất nền ghi nhận tăng trưởng lên tới 50% so với tháng 2. Trong cùng thời kỳ, tăng trưởng lượng tin đăng phân khúc đất nền đạt 34%, chỉ đứng sau nhà riêng với 37%.
Ngoài ra, theo khảo sát môi giới của đơn vị này vào quý đầu năm nay, đất nền cũng là phân khúc được đánh giá là có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn - cho biết, lượng tìm kiếm và giá đất nền tại các thị trường đều có sự tăng trưởng sau Tết, đặc biệt ở Hà Nội và các thị trường tỉnh. Cụ thể, trong tháng 3, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 52%, tại TPHCM tăng 31% và các tỉnh khác tăng 54% so với tháng liền trước.
Trong khi đó, giá rao bán đất nền phổ biến vào tháng 3 tại Hà Nội đã tăng 42%, tại TPHCM tăng 7% và tại các tỉnh khác tăng tới 67% so với tháng 1/2023.
Theo khảo sát với môi giới của đơn vị trên, người tiêu dùng Hà Nội đang quan tâm nhiều đến đất nền vùng ven, trong khi người tiêu dùng TPHCM lại quan tâm nhiều hơn tới đất nền gần trung tâm.
Đất nền tại các tỉnh miền Bắc có mức độ quan tâm tăng mạnh, đơn cử tại Ninh Bình trong tháng 3 tăng 122% so với tháng 2, Phú Thọ tăng 110%, Bắc Giang tăng 106%, Thái Bình tăng 105%.

Giá rao bán đất nền tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội tăng mạnh (Ảnh: Hà Phong).
Mặt bằng giá rao bán tại một số địa phương cũng tăng trong tháng 3. Cụ thể, so với quý I/2023, giá bán đất nền đầu năm nay tại Hưng Yên đã tăng 55%, Bắc Ninh tăng 46%, Hà Nội tăng 42%, Hải Phòng tăng 21%...
Trong khi đó, biến động giá tại các tỉnh miền Nam ở mức nhẹ hơn: Đồng Nai tăng 30%, Bình Dương tăng 25%, TPHCM tăng 5%...
Ông Tuấn nhận định, với phân khúc đất nền, xu hướng phân hóa Bắc - Nam vẫn tiếp tục, miền Bắc phân bổ giá rộng hơn và cao hơn so với miền Nam. Tại miền Nam, chỉ các huyện cận TPHCM ghi nhận tăng trưởng về nhu cầu tìm kiếm đất nền. Mặc dù vậy giá bán chưa có biến động mạnh ở các khu vực này.
Trong khi đó, hầu hết tỉnh miền Bắc đều có biến động lớn về mức độ quan tâm và giá rao bán. Dữ liệu của đơn vị này cho thấy, trong tháng 3, Hải Dương là tỉnh có giá đất nền biến động mạnh nhất, tăng 100% so với tháng 1/2023, tiếp theo là Bắc Giang với mức tăng 80%...
Tại miền Trung, đất nền Quảng Nam có mức độ quan tâm tăng ở khu vực ven biển giáp ranh Đà Nẵng. Đồng thời, giá rao bán đất ở Đà Nẵng cũng ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, trong tháng 3, giá rao bán đất nền quận Cẩm Lệ đã tăng 80%, quận Liên Chiểu tăng 75% và huyện Hòa Vang tăng 50% so với tháng 1/2023.
Với tin tức về sáp nhập tỉnh, theo ông Tuấn, phản ứng tại các khu vực có sự phân hóa, mức độ quan tâm cao nhất đến từ các tỉnh miền Bắc.
Thực tế, thời gian qua, trước thông tin sáp nhập tỉnh thành, giá đất tại nhiều nơi đã có sự biến động. Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản - nói, việc sáp nhập tỉnh thành có thể sẽ là cơ hội cho bất động sản tại những nơi được chọn làm trung tâm hành chính. Bởi, sau khi sắp xếp, những địa phương này sẽ được đầu tư hạ tầng bài bản, nhưng sẽ cần thêm thời gian.
Tuy nhiên, những địa phương không được chọn làm trung tâm hành chính nhưng mức giá đang quá cao có thể sẽ bị điều chỉnh giảm. Lúc này, việc đầu tư sẽ trở nên rủi ro.
Vì vậy, nhà đầu tư cần đứng ngoài quan sát và nghe ngóng những thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Có thể lúc này nhà đầu tư phải mua với mức giá cao hơn nhưng lợi nhuận bền vững, an toàn. Nhà đầu tư không nên vội vàng tin theo những tin đồn thất thiệt, sẽ rất rủi ro.