1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Vĩnh Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp gặp khó vì thuế đối ứng của Mỹ

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc tính toán, nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế 46% đối với Việt Nam thì tăng trưởng GRDP của tỉnh này sẽ giảm khoảng 2-2,5% điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, chiều 10/4.

Theo ông Đông, việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này chưa chịu tác động nhiều và chưa ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó trong mọi tình huống, cần có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời.

Vĩnh Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp gặp khó vì thuế đối ứng của Mỹ - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp (Ảnh: Thanh Nga).

Ông giao Cục Thống kê và Sở Tài chính Vĩnh Phúc chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất số liệu, nhất là ở các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp lớn chịu tác động thuộc lĩnh vực điện, điện tử, dệt may.

Từ đó, tham mưu ban hành chỉ thị của tỉnh Vĩnh Phúc về ứng phó với tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhấn mạnh quan điểm, giải pháp ứng phó, định hướng lại chiến lược thu hút đầu tư…

Các sở, ngành được Chủ tịch Vĩnh Phúc yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình lớn, công trình trọng điểm cũng phải được đẩy nhanh.

Cùng với đó, ông Đông nhấn mạnh việc chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt.

Tuần tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, tạo niềm tin đối với cộng đồng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Vĩnh Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp gặp khó vì thuế đối ứng của Mỹ - 2

Vĩnh Phúc hiện có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử hoạt động (Ảnh: Bộ Công Thương).

Thống kê của Sở Tài chính Vĩnh Phúc cho thấy, tỉnh này có 73 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 547 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và quý I năm nay đạt 125,6 triệu USD, chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép các loại, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử.

Nếu Mỹ áp dụng sắc lệnh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là 46% sẽ tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Sở Tài chính Vĩnh Phúc dự báo, một số doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cắt giảm sản lượng sản xuất, giảm lao động. Đặc biệt, giá thành sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng lên, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác.

Hơn nữa, theo cơ quan này, người tiêu dùng tại Mỹ có thể phải đối mặt với giá cả cao hơn cho các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam và sẽ tìm các sản phẩm thay thế cho sản phẩm từ Việt Nam.

Việc áp dụng mức thuế đối ứng cao cũng sẽ khiến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng trở nên kém hấp dẫn hơn. Một số nhà đầu tư sẽ xem xét lại vị trí đặt nhà máy sản xuất, dịch chuyển sang các nước có mức thuế suất thấp hơn.

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc tính toán, nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế 46% đối với Việt Nam thì tăng trưởng GRDP của tỉnh này sẽ giảm khoảng 2-2,5% điểm.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trên đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ để kịp thời tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.