Trải nghiệm tàu cao tốc Trung Quốc, kỳ vọng tuyến tàu 350km/h ở Việt Nam
(Dân trí) - Fuxing là tàu cao tốc đầu tiên được Trung Quốc đưa vào hoạt động, chạy tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Với quãng đường 1.318km, tàu giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 13 tiếng xuống 4 tiếng 28 phút.

Tàu chạy gần 350km/h, chai nước vẫn đứng im
Đầu tháng 4, phóng viên Dân trí và đoàn du khách Việt Nam có cơ hội trải nghiệm chuyến tàu cao tốc Fuxing đi từ thành phố Thượng Hải đến Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trên chuyến tàu này, phóng viên đã làm một thử nghiệm kiểm tra độ êm của tàu bằng cách đặt một chai nước lọc trên thành cửa sổ tàu.
Thật bất ngờ, khi tàu đạt tốc độ 349km/h, chai nước vẫn đứng im, không hề xê dịch.
Tàu cao tốc ở Trung Quốc chạy 350km/h chai nước vẫn không bị xê dịch (Video: Hoàng Dũng).


Hình ảnh phóng viên thử nghiệm đặt chai nước lên thành cửa sổ của tàu Fuxing G6 và biển báo tàu đạt tốc độ 349km/h (Ảnh: Hoàng Dũng).
Tàu cao tốc Fuxing mang ký hiệu G6 được người dân bản địa coi là chuyến tàu VIP bởi chặng đường từ Thượng Hải đi Bắc Kinh chỉ dừng đón trả khách tại 2 nhà ga dọc đường. Trong khi đó các chuyến tàu phổ thông cùng chặng sẽ dừng tới 11 nhà ga.
Với quãng đường di chuyển từ Thượng Hải đi Bắc Kinh dài hơn 1.300km, tàu Fuxing G6 chỉ mất hơn 4 tiếng di chuyển. Giá vé có 4 loại khác nhau, tùy theo khu vực ngồi: 662 nhân dân tệ (2.317.000 đồng); 1.060 nhân dân tệ (3.710.000 đồng); 1.457 nhân dân tệ (5.099.000 đồng); 2.318 nhân dân tệ (8.113.000 đồng).
Cũng chặng đường trên, tàu cao tốc Fuxing dạng phổ thông có giá vé rẻ hơn chuyến G6, gồm 3 loại vé: 597 nhân dân tệ (2.089.000 đồng); 993 nhân dân tệ (3.475.500 đồng); 1.958 nhân dân tệ (6.853.000 đồng).
Tàu được trang bị rất tiện nghi với hệ thống ghế ngồi êm ái rộng rãi, đồ ăn ngon, nhà vệ sinh sạch sẽ... tạo cảm giác thoải mái cho hành khách trên những chặng đường dài.



Những tiện nghi bên trong tàu cao tốc Fuxing mang ký hiệu G6 (Ảnh: Hoàng Dũng).
Chị Nguyễn Quỳnh Nga (du khách Việt Nam) đi trên chuyến tàu Fuxing G6 chia sẻ: "Tôi cũng nhiều lần phải di chuyển trên những chặng đường xa hơn 1.000km, nhưng ngồi trên tàu này tôi thấy rất thoải mái, không bị mệt mỏi như ngồi trên máy bay".
Lần đầu tiên được trải nghiệm tàu cao tốc Trung Quốc, anh Nguyễn Đình Hiếu (40 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: "Tàu chạy tốc độ tới 349km/h mà tôi thấy rất êm ái, cảm giác rất dễ chịu, không thấy mệt mỏi".
Anh Hiếu mong Việt Nam sớm có các chuyến tàu cao tốc như thế này để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn.

Anh Hiếu và con gái trên chuyến tàu cao tốc Fuxing G6 từ Thượng Hải đi Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/4 (Ảnh: Hoàng Dũng).
"Tốc độ máy bay sẽ cao hơn tàu cao tốc nhưng thời gian chờ đợi làm thủ tục máy bay lâu hơn. Tôi mong muốn Việt Nam sớm triển khai xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là trục Bắc - Nam, để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân", anh Hiếu mong muốn.
Rút ngắn thời gian di chuyển từ 13 tiếng xuống còn 4 tiếng 28 phút
Theo báo chí Trung Quốc, Fuxing là tàu cao tốc đầu tiên được Trung Quốc đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2016, di chuyển trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Với quãng đường dài 1.318km, tàu chạy tốc độ cao giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 13 tiếng xuống còn 4 tiếng 28 phút.
Fuxing có nghĩa là "Trẻ hóa". Con tàu này ra đời nhằm thay thế cho tàu Hexie (mang ý nghĩa "Hòa hợp") bị coi là đã lỗi thời. Sự xuất hiện của Fuxing đã giúp kết nối thủ đô của Trung Quốc với trung tâm tài chính thương mại lớn nhất nước này.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải cũng là một trong những tuyến bận rộn nhất ở Trung Quốc, vận chuyển hơn 100 triệu hành khách mỗi năm.
Từ khi ra mắt, tàu Fuxing nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ du khách trong nước và quốc tế. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều video được du khách chia sẻ về trải nghiệm ngồi tàu mang lại cảm giác "êm ru" khi lướt dọc theo chiều dài Trung Quốc.
Trên tàu được gắn hơn 2.500 cảm biến trong khi những mẫu tàu trước đó chỉ có hơn 2.000 cảm biến. Hệ thống cảm biến này làm nhiệm vụ thu thập hàng nghìn chỉ số từ các toa tàu.
Khi sự cố xảy ra, phanh, điều hòa trên tàu kích hoạt chuông báo động và tự dừng. Để cho ra mắt loại tàu Fuxing, các kỹ sư cao cấp nước này đã mất khoảng 13 năm nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ sản xuất tàu cao tốc từ các nước có nền công nghệ bậc cao như Đức, Pháp, Nhật và Canada.
Trước đó vào tháng 1/2024, tại hội nghị tổng kết công tác thường niên, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết, CR450, mẫu tàu viên đạn Fuxing mới nhất do cơ quan này phát triển sẽ có tốc độ thử nghiệm lên tới 450km/h và tốc độ vận hành thương mại đạt 400km/h.

Nhà ga tàu cao tốc tại Thượng Hải, Trung Quốc hiện đại như nhà ga sân bay (Ảnh: Hoàng Dũng).
Hồi tháng 6/2023, tập đoàn trên đã tiến hành thử nghiệm một số thành phần công nghệ cao quan trọng của tàu CR450, đồng thời lập kỷ lục bộ phận tàu đạt tốc độ 453km/h trong một lần chạy thử nghiệm.
Theo SCMP, Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới đường sắt vào năm 2025 lên tới 165.000km, bao gồm 50.000km đường sắt cao tốc.
Tính đến cuối năm 2023, mạng lưới đường sắt quốc gia này đạt chiều dài 159.000km, trong đó có 45.000km đường sắt cao tốc.
Việt Nam dự kiến khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD vào cuối 2026
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TPHCM, có tốc độ thiết kế 350km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ 2025-2035.
Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2026. Ông giao Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4; đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 30/11/2024 (Ảnh: Hồng Phong).
Trước đó, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sau hơn 15 năm đặt lên bàn nghị sự, đến chiều 30/11/2024 đã đạt được sự thống nhất cao của đại biểu Quốc hội.
Theo nghị quyết đã được thông qua, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Tiến độ được Quốc hội thống nhất là lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025 và phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.
Với việc đầu tư mới tuyến đường đôi khổ 1.435mm, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350km/h, được thiết kế để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dọc tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến chỉ chuyên chở hành khách (Ảnh: AI).
Theo tính toán, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800ha. Số dân tái định cư sơ bộ khoảng 120.800 người.
Quốc hội cũng quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đó là trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Thủ tướng cũng được quyết định huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án mà không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn.


Nhân viên an ninh làm nhiệm vụ tại nhà ga tàu cao tốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/4 (Ảnh: Hoàng Dũng).
Người đứng đầu Chính phủ được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.