Thành phố Hoa Lư giữ tên gọi 1.000 năm đặt cho các phường
(Dân trí) - Thành phố Hoa Lư mang nét đặc biệt khi sở hữu danh thắng Tràng An - di sản thế giới "kép" duy nhất Đông Nam Á. Sau khi bỏ cấp huyện, đô thị di sản nổi tiếng này giữ lại tên và đặt cho các phường.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hoa Lư dự kiến sắp xếp thành 4 phường mới, trên cơ sở nhập các đơn vị hành chính hiện có và một số đơn vị hành chính thuộc các huyện Yên Khánh, Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Một góc thành phố Hoa Lư, đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).
Bốn phường ở thành phố Hoa Lư sẽ được thành lập sau khi bỏ cấp huyện, dự kiến mang tên: Hoa Lư, Tây Hoa Lư, Nam Hoa Lư và Đông Hoa Lư.
Lãnh đạo Thành ủy Hoa Lư cho biết, thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố sắp xếp 20 đơn vị hành chính cấp xã, phường thành 4 phường nêu trên.
Tên gọi các phường được đặt theo tên gọi cũ của thành phố là Hoa Lư. Tùy thuộc theo vị trí địa lý, các phường sẽ được thêm tên đệm là các hướng như: Tây Hoa Lư, Nam Hoa Lư, Đông Hoa Lư.
"Tên gọi Hoa Lư đã có hơn 1.000 năm lịch sử, gắn liền với nhà nước Đại Cồ Việt, nơi vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô. Vì thế khi thành lập thành phố Hoa Lư, tên gọi này được địa phương chọn giữ lại, để lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc ở vùng đất Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung", vị lãnh đạo thành phố Hoa Lư chia sẻ.
Theo lãnh đạo Phòng Nội vụ, UBND thành phố Hoa Lư, việc đặt tên cho các phường mới được đưa ra lấy ý kiến người dân và công khai. Tên các phường mới khi được sử dụng góp phần quảng bá vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, định vị thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
"Kết quả lấy ý kiến cử tri đều đồng thuận cao, khẳng định đây là sự lựa chọn phù hợp, có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, văn hóa, niềm tin, tự hào của nhân dân Ninh Bình với tên gọi có giá trị, văn hóa con người vùng đất Cố đô Hoa Lư", đại diện Phòng Nội vụ chia sẻ.

Cố đô Hoa Lư có chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử. Tên Hoa Lư được lấy đặt cho các phường ở thành phố Hoa Lư sau khi bỏ cấp huyện (Ảnh: Thái Bá).
Trước đó, thành phố Hoa Lư được thành lập theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.
Thành phố mới của tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động ngày 1/1, là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (được UNESCO ghi danh năm 2014). Hoa Lư là thành phố đặc biệt khi sở hữu di sản thế giới "kép" duy nhất ở Đông Nam Á.
Đô thị di sản này hiện nay "ôm trọn" trong mình nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời như: Cố đô Hoa Lư, Đền Thái Vi, Hành Cung Vũ Lâm, chùa Bái Đính... Cùng với đó là hàng loạt thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, vườn chim Thung Nham, Hang Múa, động Thiên Hà...
Theo định hướng và tính chất phát triển, thành phố Hoa Lư là "Đô thị di sản thiên niên kỷ", độc đáo, tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là hình mẫu phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào các tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc.

Di sản thế giới "kép" Tràng An thuộc thành phố Hoa Lư (Ảnh: Thái Bá).
Thành phố di sản đặc biệt này hiện là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình. Đô thị này cũng đang là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu của Việt Nam.
Thành phố Hoa Lư có diện tích 150,24km2 và dân số 238.209 người, hiện nay có 12 phường, gồm: Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang và 8 xã gồm: Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên.