1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản

Trường Thịnh

(Dân trí) - Triển khai hàng loạt tuyến cáp, đường dây xuyên biển quy mô lớn, kịp thời đưa điện đến các địa phương, vùng sâu vùng xa, giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., EVNSPC góp phần mang lại cuộc sống tích cực hơn cho người dân.

Cuộc thi ảnh "50 năm vượt nắng thắng mưa - thắp sáng khát vọng thịnh vượng" do báo Dân trí phối hợp Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức, ngày càng thu hút sự tham gia của độc giả.

Các tác giả chia sẻ những bức ảnh về công trình biểu tượng của EVNSPC; nét đẹp người thợ điện, cán bộ công nhân viên EVNSPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đóng góp của ngành điện miền Nam vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam (trừ TPHCM). Qua đó đã phần nào tái hiện hành trình 50 năm nỗ lực của ngành điện miền Nam với sự phát triển của đất nước.

Mang điện đến đảo xa: Những kỷ lục

Đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc được nhắc đến trong nhiều bộ ảnh của các tác giả. Đây là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, được EVNSPC khởi công ngày 17/11/2013; đóng điện, đưa vào vận hành tháng 2/2014.

Cũng tại Kiên Giang, Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, được EVNSPC khởi công vào ngày 4/9/2015. Đây là dự án đường dây 110kV vượt biển có quy mô lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, lần đầu tiên được thực hiện tại Kiên Giang với chiều dài trên 24,5km, nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển. Công trình hoàn thành, đóng điện vào ngày 26/11/2016.

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản - 1

Điện đường dây 110KV vượt biển, cấp điện cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Bức ảnh của tác giả Nguyễn Đoàn Kết.

Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc là đường dây điện vượt biển dài nhất Đông Nam Á do EVNSPC đầu tư, triển khai từ tháng 3/2019, đóng điện vận hành giai đoạn 1 trong tháng 10/2022. Công trình giúp tăng năng lực cung ứng điện cho đảo Phú Quốc thêm 500MW, gấp 5 lần công suất sử dụng điện trước đó và đáp ứng nhu cầu về điện đến năm 2035. 

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản - 2

Công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn.

Xây nên những "kỷ lục" chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với các công trình vượt biển. Việc vận chuyển thiết bị, thi công phụ thuộc triều cường, biển động. Càng xa bờ, đáy càng sâu, sóng càng lớn, có cả sóng ngầm. Nhiều móng cột phải khoan và hạ thăm dò nhiều lần, tốn kém, bởi địa chất trên biển thay đổi phức tạp, dòng hải lưu chảy xiết.

Ngoài ra còn có những thử thách từ công nghệ thi công, như hệ thống thiết bị thi công cáp ngầm ngoài khơi bằng robot có điều khiển, chế tạo riêng vật liệu xây dựng chịu được môi trường nước biển...

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản - 3

Điện được kéo về đảo Hòn Nghệ (Kiên Giang). Ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tuân.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên EVNSPC sát cánh, hoàn thành các dự án. Tinh thần này được truyền tải rõ nét qua các bức ảnh gửi về cuộc thi "50 năm vượt nắng thắng mưa - thắp sáng khát vọng thịnh vượng".

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản - 4

Bức ảnh "Sạm nắng gió" của tác giả Hồ Xuân Thành. Trong ảnh là nhân viên EVNSPC tham gia công trình 500KV mạch 3.

Cấp điện cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản

Điện lưới quốc gia tạo nền tảng, thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Điện là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư với các dự án du lịch quy mô lớn, đã "đánh thức" đảo ngọc Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Tre...

Những hòn đảo hoàng sơ như đảo Hải Tặc (Kiên Giang) trước đây vốn không ai dám đến, nay trở thành địa điểm quen thuộc của du khách. Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống trên các đảo phát triển mạnh khi lượng du khách tăng.

EVNSPC: Đưa điện đến đảo xa, tiếp sức cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản - 5
Điện về đến nhiều khu vực ở Côn Đảo. Bức ảnh của tác giả Đại Dương.

Nhờ có điện, nhiều nông dân Bình Thuận trồng thanh long với kết quả khả quan, với sự đóng góp của kỹ thuật chong đèn cho trái vụ. Giai đoạn 2014-2016, EVNSPC đã triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân trồng Thanh Long thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Chương trình giúp các hộ dân tiết kiệm 54.523 MWh/năm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện hơn 82 tỷ đồng/năm.

Điện cũng mang lại chuyển biến tích cực trong nông nghiệp cho khu vực Nam Tây Nguyên, đơn cử như tỉnh Lâm Đồng. Năng suất cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại rau, quả, hoa, trà, cà phê... liên tục cải thiện, giúp nhiều người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Điện cũng là "điểm tựa" cho những vựa tôm cá ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi hạ tầng lưới điện còn thiếu, hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi tôm dùng máy nổ diesel để vận hành giàn quạt sục oxy cho nuôi tôm, chi phí khá tốn kém.

Ông Châu Minh Lý - chủ hộ dân nuôi tôm mô hình lớn ở Đầm Dơi, Cà Mau cho biết: "Hệ thống điện đóng vai trò quan trọng, giống như nước đầu nguồn vào, phải có điện để bơm qua tất cả các tầng ao, trong mỗi ao có hệ thống bơm nước tạo hoạt động oxy đều cần điện. Nhờ tiếp cận mô hình tiết kiệm, hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình tôi thuận lợi, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế".

Tham gia cuộc thi ảnh "50 năm vượt nắng thắng mưa - thắp sáng khát vọng thịnh vượng", các tác giả đánh giá cao ngành điện lực cung cấp năng lượng ổn định, an toàn, liên tục, góp phần giúp các địa phương khởi sắc.

Độc giả gửi bài dự thi tại đây.

Ban tổ chức chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trao 1 Giải nhất (20 triệu đồng); 2 Giải nhì (12 triệu đồng/giải); 3 Giải ba (7 triệu đồng/giải); 10 Giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 5 Giải bình chọn (1 triệu đồng/giải).

Tác phẩm đảm bảo nội dung thuộc chủ đề, chính xác về địa điểm, con người EVNSPC (tại 21 tỉnh, thành phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau (trừ TPHCM), các huyện đảo: Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Hải; công trình điện 220kV Kiên Bình - Phú Quốc; các công trình lưới điện 110kV trở xuống). Nếu chụp thợ điện thao tác trên lưới, cần lưu ý, thợ điện phải mặc áo cam, bảo hộ đầy đủ: đeo dây an toàn, găng tay, giày bảo hộ, mũ trắng có logo EVN/EVNSPC.

Từ chỗ chỉ 2,5% số hộ dân có điện ngày đầu tiếp quản, sau 50 năm (tính đến hết quý IV/2024), EVNSPC cấp điện đến 100% xã, phường, thị trấn, số hộ dân có điện đạt 99,9%; trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,82%.

Điện thắp sáng các phum, sóc, thôn, bản; vượt sóng thắp sáng tận các hòn đảo xa xôi vùng cực Nam tổ chức; đến với đồng bào Khmer, Churu, Cơ Tu, Chăm… tại các thôn buôn Tây Nguyên, khu vực Tây Nam Bộ, tạo tiền đề giúp người dân cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Điện cũng là động lực, chắp cánh để Nam Bộ hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, năng động của cả nước, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài; tạo đà cho công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… phát triển mạnh mẽ.

EVNSPC đang cấp điện cho 5/12 huyện đảo trên cả nước; trong đó có 3 đảo cấp điện bằng nguồn tại chỗ gồm Phú Quý, Côn Đảo, Trường Sa. Các huyện Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang) đều đã được cấp điện lưới quốc gia.

Từ hệ thống lưới điện manh mún, nhỏ lẻ ngày đầu tiếp quản, EVNSPC không ngừng đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện. Đến nay, tổng công ty đang quản lý, vận hành an toàn 6.559,8km đường dây 110kV và 70.028,8km đường dây 220kV.

Tổng công ty ghi dấu ấn trên những công trình mang tính biểu tượng như: Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc - tuyến cáp ngầm lớn nhất Đông Nam Á; đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc - đường dây vượt biển dài nhất Đông Nam Á… 

EVNSC không ngừng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ số vào mọi hoạt động như: hệ thống SCADA, tự động hóa lưới điện, sửa chữa điện trên đường dây đang mang điện (hotline), trí tuệ nhân tạo, công tơ điện tử; các phần mềm trong quản trị doanh nghiệp như D-OFFICE, CMIS, ERP…

Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trung tâm Hành chính công và Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố.

Tổng công ty cũng đã xây dựng, phát triển hệ thống chăm sóc khách hàng đa kênh tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế chuyển đối số như: Tổng đài, email, website, Zalo, ứng dụng CSKH EVNSPC,… tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi.