Mỹ áp thuế cả thế giới
  1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Hơn 70 quốc gia liên hệ đàm phán thuế quan với Mỹ trước hạn chót

Minh Phương

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng các cuộc đàm phán sẽ hiệu quả, giúp giảm mức thuế quan đối với các nước.

Hơn 70 quốc gia liên hệ đàm phán thuế quan với Mỹ trước hạn chót - 1

Mỹ công bố chính sách thuế mới với hơn 180 đối tác thương mại trên thế giới (Ảnh: Bloomberg).

70 quốc gia đàm phán

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 7/4 cho biết, khoảng 50-60, thậm chí lên tới 70 quốc gia, vùng lãnh thổ đã liên hệ để đàm phán với Mỹ trước khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/4.

"Như tôi đã khuyên ngay từ đầu, giới chức các nước hãy bình tĩnh, không leo thang căng thẳng và hãy đưa ra cho chúng tôi những đề xuất về cách các bạn sẽ bãi bỏ thuế quan, bãi bỏ các rào cản phi thuế quan, cách các bạn sẽ chấm dứt trợ giá. Đến một thời điểm nào đó, Tổng thống Donald Trump sẽ sẵn sàng đàm phán", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trả lời phỏng vấn Fox News.

Do vậy, ông cho rằng: "Tháng 4 sẽ rất bận rộn, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 6".

Ông lưu ý thêm: "Tôi hy vọng, thông qua đàm phán, tất cả những gì chúng ta sẽ thấy là mức thuế giảm xuống. Điều đó sẽ phụ thuộc vào các quốc gia khác".

Hôm 2/4, Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan mới, trong đó áp thuế 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 5/4. Trong khi đó, khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ bị áp thuế đối ứng lên tới 50% kể từ ngày 9/4.

Chính phủ các nước đang rốt ráo tiếp cận với chính quyền của ông Trump để đàm phán một thỏa thuận có lợi hơn. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này sẵn sàng giảm thuế đối với ô tô và hàng công nghiệp Mỹ về mức 0% để đổi lại chính sách tương tự.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran cho biết Tổng thống Trump sẽ là người quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận đề nghị mà các quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra hay không. Ông nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh đề xuất của các nước và Tổng thống Trump đã khẳng định Mỹ muốn tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu.

Tổng thống Trump hôm qua cho biết, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Bộ trưởng Tài chính Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jameson Greer đã được chỉ định để dẫn đầu các cuộc đàm phán thuế quan với Nhật Bản.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba nói: "Chúng tôi đang xem xét tất cả các phương án để xác định phương án hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ không tham gia vào việc trả đũa".

Trung Quốc tuyên bố "đáp trả đến cùng"

Trong khi đó, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu leo thang căng thẳng.

Sau khi Tổng thống Trump thông báo áp thuế bổ sung 34% với hàng hóa, cùng với mức 20% hiện hành, Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng mức thuế quan 34%.

Tổng thống Trump hôm 7/4 cảnh báo áp bổ sung mức thuế 50% với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không rút lại biện pháp đáp trả.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ "kiên quyết phản đối" mức thuế bổ sung 50% mà Tổng thống Trump dọa áp vào hàng hóa Trung Quốc, gọi đó là "sai lầm nối tiếp sai lầm".

"Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp thuế quan leo thang, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình... Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Nếu Mỹ khăng khăng theo cách của mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng", Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

Bộ này nhấn mạnh rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và nêu rõ "áp lực và đe dọa không phải là cách đúng đắn để hợp tác với Trung Quốc".

"Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ mọi biện pháp thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc và giải quyết thỏa đáng những khác biệt thông qua đối thoại bình đẳng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau", thông cáo nêu.

Theo Fox Business