DNews

Chấm dứt xung đột Ukraine: Bài toán cân não của Tổng thống Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với bài toàn khó khi không thể thực hiện lời hứa chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức.

Chấm dứt xung đột Ukraine: Bài toán cân não của Tổng thống Trump

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại New York vào tháng 9 năm ngoái, ông Donald Trump, khi đó đang là ứng cử viên tổng thống Mỹ, đã tuyên bố tự tin rằng ông có thể sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine.

"Nếu chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tôi nghĩ chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề này rất nhanh chóng", ông Trump nói.

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vài ngày trước đó, ông Trump cam kết sẽ "giải quyết mọi vấn đề trước khi trở thành tổng thống". Đây là một bước tiến so với cam kết trước đó của ông Trump vào tháng 5/2023 rằng ông sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhậm chức.

Ông Trump hiện đã nhậm chức được hơn 2 tháng và Nhà Trắng có thể bắt đầu nhận ra rằng, việc chấm dứt một cuộc xung đột khó khăn và phức tạp như cuộc chiến Ukraine có thể mất nhiều thời gian.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, khi giải thích về tuyên bố chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ, Tổng thống Trump thừa nhận ông chỉ "nói đùa".

"Tôi chỉ có ý đùa khi nói vậy. Ý tôi là tôi thực sự muốn giải quyết nhanh gọn và tôi nghĩ mình sẽ thành công", Tổng thống Trump nói.

Việc chấm dứt xung đột có thể phức tạp và tốn thời gian. Các bên sẽ không thể đi đến giai đoạn này nếu không có sự thúc đẩy của Tổng thống Trump, nhưng tiến trình không diễn ra nhanh chóng hoặc đơn giản như ông Trump dự tính.

Chấm dứt xung đột Ukraine: Bài toán cân não của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cuộc gặp căng thẳng tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Lý do khiến xung đột khó giải quyết

Các chuyên gia đã chỉ ra 5 lý do khiến tiến trình giải quyết xung đột Ukraine chậm hơn so với dự đoán của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thứ nhất, niềm tin của Tổng thống Trump vào sức mạnh của ngoại giao cá nhân có thể đã bị đặt nhầm chỗ.

Ông Trump từ lâu tin rằng bất kỳ vấn đề quốc tế nào cũng có thể được giải quyết nếu ông ngồi lại với một nhà lãnh đạo khác và nhất trí một thỏa thuận.

Ông Trump lần đầu tiên trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2. Cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng rưỡi được ông Trump mô tả là "rất hiệu quả". Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện lại vào ngày 18/3.

Nhưng rõ ràng, những cuộc điện đàm này không mang lại một lệnh ngừng bắn toàn diện, kéo dài 30 ngày như ông Trump mong muốn. Thay vào đó, ông Putin chỉ đồng ý ngừng bắn một phần.

Sự nhượng bộ thực chất duy nhất mà ông Trump giành được từ ông Putin là cam kết chấm dứt các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở năng lượng của Ukraine và ngừng sử dụng vũ lực quân sự trên Biển Đen.

Tuy nhiên, không lâu sau khi lệnh ngừng bắn hạn chế được công bố, các bên đã cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

Thứ hai, Tổng thống Nga nói rõ rằng ông sẽ không rơi vào tình thế bị thúc ép. Một tháng sau cuộc điện đàm với ông Trump, ông Putin mới đưa ra những bình luận công khai đầu tiên về các cuộc đàm phán trong một cuộc họp báo.

Tổng thống Putin cho thấy ông kiên quyết phản đối chiến lược 2 giai đoạn của Mỹ là tìm kiếm lệnh ngừng bắn tạm thời trước khi thảo luận về một giải pháp dài hạn hơn. Thay vào đó, ông Putin cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải giải quyết những gì ông coi là "nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột", cụ thể là lo ngại của nhà lãnh đạo Nga về việc liên minh NATO mở rộng gần biên giới Nga và những tính toán của Ukraine bằng cách nào đó gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Ông cũng đặt ra những câu hỏi và điều kiện chi tiết phải được giải đáp và đáp ứng trước khi bất kỳ thỏa thuận nào có thể được thống nhất.

Thứ ba, chiến lược ban đầu của Mỹ tập trung vào Ukraine có thể đã bị đánh giá sai. Nhà Trắng tin rằng Tổng thống Zelensky là trở ngại cho hòa bình. Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận chính phủ Ukraine đã chậm nhận ra rằng, thế giới đã thay đổi nhiều như thế nào sau khi ông Trump lên nắm quyền.

Sức ép của Mỹ đối với Ukraine đã dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa tại Phòng Bầu dục, khi Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc của Mỹ.

Những tính toán của Mỹ cũng làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khiến châu Âu và Mỹ bất đồng quan điểm. Đây lại là một vấn đề ngoại giao khác cần thời gian để giải quyết. Trong khi đó, Nga chỉ theo dõi và chờ đợi thời cơ.

Thứ tư, tính phức tạp của cuộc xung đột Ukraine khiến mọi giải pháp đều khó thực hiện. Đề xuất ban đầu của Ukraine là ngừng bắn tạm thời trên không và trên biển. Kiev cho rằng ý tưởng này sẽ dễ giám sát và thực hiện.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út, Mỹ nhấn mạnh rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn ngay lập tức nào cũng phải bao gồm cả tiền tuyến dài hơn 1.200km ở phía đông. Điều này khiến quá trình giám sát bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trở nên phức tạp hơn. Tất nhiên, sau đó ông Putin đã bác bỏ đề xuất này.

Nhưng ngay cả khi ông Putin đồng ý với đề xuất khiêm tốn hơn - chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng - cũng không phải là đề xuất dễ dàng thực hiện. Các quan chức quân sự và năng lượng sẽ phải lập danh sách chi tiết các cơ sở năng lượng, bao gồm các nhà máy điện, được bảo vệ theo lệnh ngừng bắn. Họ cũng sẽ phải thống nhất hệ thống vũ khí nào không được sử dụng.

Tuy nhiên, việc thống nhất sự khác biệt giữa các cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở hạ tầng dân sự khác có thể mất một thời gian. Một điều cần lưu ý rằng, Ukraine và Nga không đàm phán trực tiếp với nhau. Họ đang đàm phán riêng rẽ và song phương với Mỹ, quốc gia cam kết làm trung gian giữa hai bên. Điều này khiến quá trình giải quyết xung đột mất thêm thời gian.

Thứ năm, việc Mỹ tập trung vào lợi ích kinh tế của lệnh ngừng bắn đã làm chệch hướng sự chú ý khỏi ưu tiên chấm dứt xung đột. Ông Trump đã dành thời gian cố gắng thống nhất một thỏa thuận khung cho phép các công ty Mỹ tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine. Một số quan điểm cho rằng đây là khoản đầu tư của Mỹ vào tương lai của Ukraine, nhưng cũng có quan điểm chỉ trích việc Mỹ tìm cách tiếp cận và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

Tổng thống Zelensky ban đầu lập luận rằng ông chỉ có thể đồng ý một thỏa thuận nếu Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai. Nhà Trắng đã từ chối, nói rằng sự hiện diện của các công ty khai khoáng và công nhân Mỹ tại các mỏ khoáng sản của Ukraine sẽ đủ sức răn đe, ngăn Nga tiến hành các cuộc tấn công.

Cuối cùng, Tổng thống Zelensky chấp nhận lùi bước và cho biết ông sẽ thống nhất một thỏa thuận khoáng sản mà không có bảo đảm an ninh. Nhưng bất chấp điều đó, Mỹ vẫn chưa ký thỏa thuận, hy vọng một lần nữa sẽ cải thiện các điều khoản, có thể bằng cách bao gồm quyền tiếp cận hoặc thậm chí là quyền sở hữu các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Chấm dứt xung đột Ukraine: Bài toán cân não của Tổng thống Trump - 2

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm nhằm tìm giải pháp cho xung đột Ukraine (Ảnh: AFP).

Bài toán khó của Tổng thống Trump

Việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine được xem là một thách thức lớn đối với Tổng thống Donald Trump. Giải pháp không đơn giản, cùng với đó là sự phức tạp của việc đưa các quốc gia, bao gồm các nước lớn, vào bàn đàm phán.

Mỹ vẫn đóng vai trò ngoại giao con thoi, đàm phán riêng rẽ với Nga và Ukraine nhằm tìm cách thiết lập lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Washington dường như ngày càng quan tâm đến việc "chiều lòng" Moscow, trong khi Nga đang tăng cường lợi ích và vị thế của mình.

Ông Trump dường như làm phức tạp thêm vấn đề bằng cách đưa ra ý tưởng Mỹ có thể đồng sở hữu các nhà máy điện của Ukraine, gây chấn động cho Kiev. Ông cũng hối thúc Kiev ký thỏa thuận khoáng sản nhằm cho phép Washington tiếp cận nguồn tài nguyên giá trị của Ukraine.

Đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky, chiến trường không còn là thách thức duy nhất. Giờ đây ông còn phải đối mặt với sự thay đổi lập trường của Mỹ về viện trợ quân sự, sự ủng hộ ngoại giao tại Liên hợp quốc, thậm chí là chia sẻ thông tin tình báo.

Bất chấp nỗ lực không mệt mỏi trong suốt những tuần qua, Tổng thống Trump vẫn không thể thuyết phục Nga chấp thuận một lệnh ngừng bắn toàn diện. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy kỳ vọng về một bước đột phá trong tiến trình đàm phán hiện vẫn ở mức thấp.

Tổng thống Putin đã bác bỏ đề xuất chung của Mỹ và Ukraine về lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện trong 30 ngày, thay vào đó Nga chỉ đồng ý tạm dừng các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Hiện vẫn chưa rõ lệnh ngừng bắn một phần như vậy sẽ được thực hiện như thế nào, nhất là khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Moscow đã nói rõ rằng các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng, cảnh báo về "những cuộc thảo luận khó khăn" sắp tới ngay cả khi Washington lạc quan nói về "tiến triển thực sự".

Mỹ muốn đạt được một lệnh ngừng bắn rộng hơn vào ngày 20/4, nhưng Nga vẫn tập trung vào việc đảm bảo các cam kết cho hoạt động xuất khẩu năng lượng và nông sản.

Sự hồi sinh tiềm năng của Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen - do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022 và bị Moscow rút khỏi vào năm ngoái - đã nổi lên như một quân bài đàm phán của Tổng thống Putin. Thỏa thuận này, vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển an toàn các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine và Nga, hiện là một yếu tố quan trọng trong chiến lược đàm phán lớn hơn của Nga.

Sau các cuộc đàm phán, phái đoàn Nga được cho là có tâm trạng tốt. Tuy nhiên, rõ ràng là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán chỉ dừng lại ở an toàn hàng hải trên Biển Đen và ngừng tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng. Không có đột phá nào khi nói đến lệnh ngừng bắn lớn hơn.

Các cuộc đàm phán với Nga vẫn còn trong giai đoạn "trứng nước", với việc Tổng thống Putin kiên định với các yêu cầu của Nga, bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các vùng lãnh thổ mà Moscow đã sáp nhập ở Ukraine gồm Donbass, Kherson và Zaporizhzhia, cùng với đó là bảo đảm chính thức rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Trong bối cảnh vị thế của Ukraine đang suy yếu, Nga không có lý do gì để không thể hiện sức mạnh. Trong khi lập trường của Nga không lay chuyển, Tổng thống Trump dường như buộc phải xem nhẹ lập trường của Ukraine.

Ông Trump đã có hai cuộc điện đàm với ông Putin, thậm chí còn gợi ý rằng hai nhà lãnh đạo có thể sớm đến thăm quốc gia của nhau. Mỹ cũng đưa ra ý tưởng cùng hợp tác với Nga trên trường quốc tế, hy vọng đảo ngược sự xoay trục mạnh mẽ của Nga sang Trung Quốc. Nga đang dành những lời "có cánh" cho Tổng thống Trump, trong khi thúc đẩy một cuộc thương lượng khó khăn và chiến lược này đang hiệu quả.

Đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, người đã gặp Tổng thống Putin vào đầu tháng 3, tin rằng nhà lãnh đạo Nga muốn hòa bình và không có kế hoạch "chiếm" toàn bộ châu Âu.

Ông Witkoff cũng tiết lộ rằng Tổng thống Putin đã tặng một bức chân dung của Tổng thống Trump do một nghệ sĩ hàng đầu của Nga thực hiện và ông Putin đã đến nhà thờ để cầu nguyện cho ông Trump khi ông Trump bị ám sát hụt vào năm ngoái. Tất cả những điều này khiến Tổng thống Trump xúc động, theo ông Witkoff.

Đối với Ukraine, tình hình đang đầy rẫy nguy hiểm. Các cuộc giao tranh trên chiến trường vẫn diễn ra, nhưng sự ủng hộ của Mỹ - từng là nền tảng cho khả năng phục hồi của Ukraine - đã trở nên ngày càng khó đoán. Vào tháng 2, Washington đã bỏ phiếu chống lại Ukraine trong một nghị quyết của Liên hợp quốc. Mỹ cũng đưa ra quyết định tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, khiến Kiev càng suy yếu thêm.

Những thay đổi chính sách đột ngột của Mỹ đã khiến cả Ukraine và châu Âu phải vật lộn để điều chỉnh lại các chiến lược của họ, trong bối cảnh sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương bị rạn nứt. Nhận thấy đây là cơ hội, Moscow đã tận dụng sự bất ổn này, hy vọng sự mệt mỏi của phương Tây cuối cùng sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ.

Cuộc chiến Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới và bất ổn, giai đoạn mà ngoại giao cũng căng thẳng như chiến trường. Nga tiếp tục ra điều kiện đàm phán, thể hiện cả ý chí chiến đấu và khả năng duy trì xung đột kéo dài. Về phần mình, Ukraine không thể nhượng bộ, nhưng lại ngày càng bị hạn chế bởi tình trạng thiếu nhân lực và binh lực.

Trong bối cảnh trên, Tổng thống Trump đang theo đuổi một "canh bạc" ngoại giao đầy rủi ro. "Canh bạc" này giúp giảm bớt áp lực lên Nga, trong khi đưa ra những yêu cầu mới đối với Ukraine. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược này của ông chủ Nhà Trắng có hiệu quả hay không.

Theo BBC, News18, Newsweek