Tâm điểm
Hoàng Anh Đức

Những gương mặt mệt mỏi trong "mùa hướng nghiệp"

Hằng năm, cứ sau mùa xuân là tới "mùa hướng nghiệp", trải dài cho tới tận giữa hè. Ở khắp các thành phố lớn lại xuất hiện những hội trường chật kín người, nơi diễn ra các "ngày hội tuyển sinh". Dưới cái nắng đầu hè gay gắt, học sinh lớp 12 cùng phụ huynh chen chúc xếp hàng dài để vào tham dự. Bên trong, các gian hàng của hàng trăm trường đại học, cao đẳng san sát nhau, mỗi gian hàng là một màu áo khác nhau, cùng những tờ rơi đầy màu sắc và những lời chào mời nhiệt tình. "Trường em có ngành hot nhất hiện nay", "100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp", "Cơ hội việc làm lương cao ngay khi ra trường"...

Những lời quảng cáo vang lên liên tục, chồng chéo lên nhau, tạo thành một mê cung thông tin mà ở đó, những học sinh với đôi mắt ngơ ngác đang cố gắng tìm ra con đường tương lai cho mình. Trên gương mặt các em còn đọng lại nét mệt mỏi của những tháng ngày ôn thi căng thẳng, lại thêm áp lực của kỳ thi quan trọng nhất đời sắp tới.

Quan sát và tham gia những buổi tư vấn tuyển sinh như vậy, tôi không khỏi trăn trở: sau 12 năm học tập trên ghế nhà trường, các em vẫn chưa được "hướng nghiệp" đúng nghĩa. Và những ngày hội được gọi là "hướng nghiệp" này, thực chất chỉ là hội chợ tuyển sinh, nơi các trường đại học đang cố gắng bán "sản phẩm" của mình cho những khách hàng tiềm năng.

Những gương mặt mệt mỏi trong mùa hướng nghiệp - 1

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh minh họa: HH)

Theo tôi, "hướng nghiệp" và "tư vấn tuyển sinh" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Tư vấn tuyển sinh là hoạt động cung cấp thông tin về các trường, ngành học, điểm chuẩn, cơ hội việc làm... nhằm giúp học sinh chọn được trường, ngành phù hợp. Đây là quá trình ngắn hạn, thường diễn ra vào những tháng cuối cấp 3, khi các em đã phải đưa ra quyết định quan trọng về tương lai của mình.

Ngược lại, hướng nghiệp là quá trình dài hơi, bắt đầu từ rất sớm, thậm chí từ tiểu học, trung học cơ sở. Đó là hành trình giúp học sinh khám phá bản thân, hiểu rõ về khả năng, sở thích, giá trị và đam mê của mình; hiểu biết về thế giới nghề nghiệp; và phát triển kỹ năng ra quyết định để có thể lựa chọn con đường phù hợp.

Tại sao chúng ta lại nhầm lẫn hai khái niệm này? Có lẽ vì trong tư duy của nhiều người Việt Nam, hướng nghiệp vẫn được xem là "việc của tương lai", một việc mà chúng ta chỉ cần quan tâm khi đã đủ lớn, đủ trưởng thành, thường là vào thời điểm chuẩn bị thi đại học.

"Liệu em học ngành này có phù hợp không?", "Ngành này sau này có dễ xin việc không?", "Em nên chọn trường nào?"... Những câu hỏi thường thấy từ học sinh lớp 12 phản ánh một thực tế đáng buồn: sau hơn một thập kỷ ngồi trên ghế nhà trường, các em vẫn chưa đủ thông tin và kỹ năng để đưa ra quyết định về tương lai của mình.

Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi thường xuyên gặp những trường hợp sinh viên bỏ học giữa chừng, chuyển ngành sau một hoặc hai năm đại học. Hiện tượng "chán ngang" ngành học, chuyển ngành, hay tốt nghiệp ra trường nhưng làm việc trái ngành đang trở nên phổ biến. Đây là cái giá phải trả cho sự thiếu vắng một hệ thống hướng nghiệp bài bản trong giáo dục phổ thông. Chúng ta đang lãng phí thời gian, tiền bạc và tài năng của thế hệ trẻ và cả xã hội, đồng thời tạo ra một phần lực lượng lao động thiếu đam mê và không phát huy hết tiềm năng.

Hướng nghiệp không phải là việc của một ngày, một tháng hay thậm chí một năm. Đó là quá trình "dưỡng nghiệp", mà chúng ta cần nuôi dưỡng, vun đắp cho ước mơ nghề nghiệp của trẻ phát triển theo thời gian, qua từng giai đoạn trưởng thành.

Khi còn nhỏ, tôi từng mơ ước được trở thành một nhà khảo cổ học - một mơ ước bình thường của tuổi thơ. Nhưng mơ ước đó của tôi đã chóng vánh bị dập tắt bởi những câu nói của người lớn như "Sao lại muốn đi làm cái nghề đào trộm mộ?". Có lẽ, đó không phải là vấn đề của riêng tôi, khi không có cơ hội để khám phá thêm về những ước mơ của mình, không được trải nghiệm để hiểu rõ hơn về bản chất của các nghề, không được hỗ trợ để phát hiện ra mình thực sự giỏi gì và yêu thích gì.

Trong những năm gần đây, các hệ thống giáo dục tư thục cũng đã cho thấy sự quan tâm hơn vào công tác hướng nghiệp từ tiểu học, thông qua các chuyến tham quan và các buổi chia sẻ của phụ huynh về công việc. Một số cơ quan, doanh nghiệp cũng tổ chức "ngày đưa con đến cơ quan", hay các chương trình thực hành tại doanh nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Thế nhưng, đó chỉ là những nỗ lực đơn lẻ.

Theo kinh nghiệm cá nhân và tham khảo các mô hình hướng nghiệp hiệu quả trên thế giới, tôi cho rằng, bất kể gia đình, trường học nào cũng có thể làm tốt công tác hướng nghiệp cho con em, học trò, nếu như tham chiếu đủ ba trụ cột sau đây.

Thứ nhất: Thông tin phong phú. Học sinh cần được cung cấp thông tin đa chiều về bản thân (đánh giá năng lực, sở thích, giá trị, tính cách) và về thế giới nghề nghiệp (các ngành nghề, xu hướng thị trường lao động, yêu cầu kỹ năng, con đường sự nghiệp).

Thứ hai: Cơ hội trải nghiệm. Trải nghiệm có thể là trực tiếp (thực tập, kiến tập, tham quan nơi làm việc) hoặc gián tiếp (gặp gỡ người làm nghề, dự án mô phỏng, tình nguyện viên). Trải nghiệm giúp học sinh có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp, tránh những ảo tưởng hoặc hiểu lầm về bản chất công việc.

Thứ ba: Năng lực ra quyết định. Đây là yếu tố quan trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua. Học sinh cần được rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định, bao gồm: xác định mục tiêu, thu thập và phân tích thông tin, đánh giá các lựa chọn, đối mặt với áp lực và kỳ vọng từ bên ngoài, chấp nhận rủi ro và học cách điều chỉnh khi cần thiết.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, việc tìm hiểu về trường đại học, ngành học không còn là trở ngại. Nhưng nghịch lý là, càng nhiều thông tin, học sinh càng bối rối. Điều thiếu không phải là dữ liệu, mà là khả năng sàng lọc, đánh giá và biến dữ liệu thành quyết định sáng suốt. Khi nhầm lẫn giữa tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, chúng ta vô tình đẩy thế hệ trẻ vào cuộc đua không được trang bị la bàn, khi các em phải quyết định tương lai trong tình trạng thiếu trải nghiệm và kỹ năng định hướng.

Có lẽ, cần thấy hướng nghiệp không chỉ là chuẩn bị cho một nghề, mà là chuẩn bị cho sự thay đổi liên tục của thế giới việc làm. Trong tương lai, nhiều ngành nghề chúng ta biết hôm nay sẽ biến mất, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Những gì trường học cần trang bị không phải là kiến thức cố định về một nghề cụ thể, mà là khả năng thích ứng, học hỏi liên tục, và can đảm đi trên con đường mình chọn.

Tương lai của hướng nghiệp không nằm ở những buổi tư vấn cuối cấp, mà trong cách chúng ta dạy trẻ tư duy, đánh giá thông tin và ra quyết định từ những năm đầu đời. Đó là cách chúng ta thiết kế trường học thành nơi khám phá bản thân, là những cơ hội trải nghiệm chúng ta tạo ra, và là sự kiên nhẫn chúng ta dành cho những con đường không quen thuộc.

Tác giả: TS Hoàng Anh Đức là nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line. Ông vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) nhiệm kỳ 2025-2030.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!