Sở Y tế Hòa Bình lên tiếng về quy trình và hoạt động hậu kiểm sữa giả
(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình khẳng định, nếu phát hiện sai phạm trong vụ sữa giả xôn xao trên địa bàn, đơn vị sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả.
Ngày 22/4, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tiếp tục làm rõ vụ việc liên quan đến 305 nhãn hiệu sữa giả được nộp hồ sơ, tự công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh.
Theo quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại Chi cục ATVSTP tỉnh của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các sản phẩm sữa của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Chi nhánh tỉnh Hòa Bình).

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Thanh Bình).
Mới đây, trao đổi với báo chí, bà Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã thông tin cụ thể về quy trình hồ sơ và hoạt động hậu kiểm liên quan vụ sữa giả gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình nêu rõ, về thủ tục hồ sơ sản phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm theo hai hình thức: Hình thức nộp trực tiếp tại Chi cục ATVSTP tỉnh với hồ sơ tự công bố, hoặc thông qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đối với hồ sơ đăng ký bản công bố.
Cũng theo bà Bùi Thu Hằng, Chi cục ATVSTP có trách nhiệm rà soát tính hợp lệ của hồ sơ và công khai tên doanh nghiệp, tên sản phẩm trên website của đơn vị. Với sản phẩm đăng ký bản công bố, đơn vị còn cấp giấy tiếp nhận, trong đó nêu rõ doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm.
"Riêng đối với hai Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, Chi cục ATVSTP tỉnh Hòa Bình khẳng định, chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng quy định, không cấp bất kỳ giấy phép sản xuất nào cho hai doanh nghiệp này như dư luận lan truyền", bà Hằng thông tin.

Số nhà 335 đường Trần Hưng Đạo, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình, được Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Chi nhánh Hòa Bình đăng ký hoạt động) là phòng khám phụ sản (Ảnh: Thanh Bình).
Nói về hoạt động hậu kiểm các nhãn hiệu sữa, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, trong năm 2023 và đầu 2024, Chi cục ATVSTP tỉnh thường xuyên tổ chức hậu kiểm các sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, không phát hiện bất kỳ sản phẩm sữa nào của hai công ty nói trên được bán tại Hòa Bình. Hai doanh nghiệp này cũng không có cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn.
Sở Y tế Hòa Bình cũng thừa nhận những khó khăn trong công tác hậu kiểm do nguồn lực hạn chế. Cụ thể, do biên chế mỏng, kinh phí mua mẫu và kiểm nghiệm còn eo hẹp khiến việc kiểm tra toàn diện là không khả thi. Với sản phẩm sữa, chi phí xét nghiệm cao càng làm cho việc này khó khăn hơn.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình, hiện không có quy định cụ thể nào về thời gian hay tần suất hậu kiểm, dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở bằng cách công bố sản phẩm, bán một lô hàng, sau đó lại tiếp tục công bố sản phẩm mới, khiến cơ quan chức năng khó theo kịp.
"Nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả với các đơn vị liên quan", lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình khẳng định.