Số lượng lãnh đạo, quản lý của 34 tỉnh thành sau sáp nhập ra sao?

Hoa Lê

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định số lượng lãnh đạo, quản lý, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (có hiệu lực từ 15/4), việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định số lượng lãnh đạo, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Cụ thể, Nghị quyết quy định, UBND tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương. 

Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh mới sau sắp xếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ "nhóm này không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp".

Đồng thời, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp xã mới tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới. 

Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định.

Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.

Nghị quyết cũng nêu việc giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác.

Sau thời hạn này, nhóm này sẽ thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyết định số 759 của Thủ tướng phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ phương án bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.

Theo đó, Chính phủ Đề nghị Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, hướng dẫn bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND cấp tỉnh và các Ban chuyên môn của cơ quan Đảng, đoàn thể) của các địa phương sau sáp nhập.

Đặc biệt là nhân sự bố trí đối với cấp trưởng và định hướng giải quyết đối với số lượng cấp phó dôi dư sau sáp nhập các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước mắt, các tỉnh thành được giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sau khi các cơ quan này đi vào hoạt động ổn định, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế các địa phương trình cấp có thẩm quyền giao biên chế của cả hệ thống chính trị ở các địa phương.