Bỏ quận, huyện, cần tăng số lượng lãnh đạo Hội đồng nhân dân Hà Nội, TPHCM?

Tùng Nguyên Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo các đại biểu tại TPHCM, HĐND thành phố Hà Nội và TPHCM cần có 3 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách, các ban chuyên môn cũng cần có 3 Phó Trưởng ban mới đáp ứng được công việc.

Ngày 23/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bỏ quận, huyện, cần tăng số lượng lãnh đạo Hội đồng nhân dân Hà Nội, TPHCM? - 1

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo về 4 luật quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại sự kiện, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng thông tin, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ bắt đầu từ 5/5 và kéo dài đến hết tháng 6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, thông qua 30 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án luật và bàn nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. Trong 30 dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 có 4 luật được nêu.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, góp ý sửa đổi nhiều quy định liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đầu tiên, ông đề nghị giữ nguyên tắc "minh bạch" trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương quy định tại Khoản 2 Điều 4 dự Luật. Theo ông, minh bạch là một trong những trụ cột của quản lý công, minh bạch và trách nhiệm giải trình luôn đi cùng với nhau, cần giữ lại để thực hiện thống nhất.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới đánh giá, dự thảo Luật thể chế hóa được chỉ đạo rất sáng suốt của Đảng là quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đồng thời với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Vấn đề còn lại là thể chế hóa, kỹ thuật lập pháp. Ông đề nghị bổ sung điều khoản giải thích, định nghĩa quy phạm phân cấp, phân quyền để có cách hiểu thống nhất khi triển khai các quy định liên quan.

Bỏ quận, huyện, cần tăng số lượng lãnh đạo Hội đồng nhân dân Hà Nội, TPHCM? - 2

PGS.TS Huỳnh Văn Thới nguyên là Quyền Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM, kiến nghị điều chỉnh quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định riêng về số lượng cán bộ lãnh đạo HĐND tại 2 thành phố lớn, có mức độ tập trung dân cư lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM.

Hiện dự thảo Luật quy định, trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì cơ quan dân cử cấp tỉnh có 1 Phó Chủ tịch; trường hợp vị Chủ tịch là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì cơ quan này có 2 Phó Chủ tịch.

Trường hợp Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì Ban này có 1 Phó Trưởng Ban; trường hợp Trưởng Ban là đại biểu không chuyên trách thì Ban đó có 2 Phó Trưởng Ban.

Theo ông Lê Minh Đức, số lượng trên quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ ở Hà Nội và TPHCM. Ông đề nghị cho phép cơ quan dân cử của 2 thành phố này được bố trí Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách. Tại các Ban của HĐND tại đây cũng bố trí Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Theo ông Đức, số lượng cán bộ trên mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, diện tích, quy mô kinh tế, khoa học kỹ thuật của 2 đô thị trung tâm lớn nhất cả nước.

Bỏ quận, huyện, cần tăng số lượng lãnh đạo Hội đồng nhân dân Hà Nội, TPHCM? - 3

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cũng tán thành đề xuất tăng lãnh đạo chính quyền địa phương ở các đô thị đặc biệt, nhất là khi TPHCM sắp sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành một siêu đô thị, có quy mô rất lớn.

Ngoài ra, Sở Nội vụ TPHCM cũng đề nghị bổ sung thêm quy định cho phép TPHCM mới sau sáp nhập tiếp tục được thực hiện Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Ông Trương Văn Tuấn (cán bộ UBND TP Thủ Đức) cũng đề nghị nên nghiên cứu bổ sung thêm số lượng cấp phó ở chính quyền cấp xã có dân số đông, vượt 100% so với quy chuẩn sau khi sáp nhập nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.