"Vàng trắng" rớt giá một nửa, nông dân vừa thu hoạch vừa lo

Hạnh Linh

(Dân trí) - Hành tăm là loại nông sản được ví như "vàng trắng" của người dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, giá hành giảm mạnh, chỉ còn 20.000 đồng/kg, khiến người nông dân lo lắng.

Những ngày này đang là vụ thu hoạch hành tăm của bà con xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do giá hành xuống thấp, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng.

Trên thửa ruộng rộng hơn 2 sào, bà Nguyễn Thị Luyện (58 tuổi), thôn Văn Đô, cùng 3 lao động khác đang thu hoạch hành.

Vàng trắng rớt giá một nửa, nông dân vừa thu hoạch vừa lo - 1

Giá hành giảm mạnh, nông dân vừa thu hoạch vừa lo (Ảnh: Hạnh Linh).

Dừng tay bên đống củ hành vừa đào lên, bà Luyện cho biết, giá hành từ đầu vụ là 28.000 đồng/kg, nhưng đến nay chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm ngoái.

Nhớ về vụ hành trước, bà Luyện cho hay, với 6 sào hành, gia đình bà thu được hơn 3 tấn, bán với giá 36.000-42.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí trồng, công chăm sóc và tiền thuê nhân công, bà lãi hơn 100 triệu đồng.

Theo bà Luyện, năm nay hành được mùa nhưng lại mất giá. Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà thu hoạch gần 2 tấn hành, trong đó đã bán 1 tấn để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư cho vụ mới. Với giá hành như hiện tại, dù bán hết cả vườn thì cũng chỉ đủ chi tiêu, không có vốn để tái đầu tư.

Vàng trắng rớt giá một nửa, nông dân vừa thu hoạch vừa lo - 2

Hành tăm được ví như "vàng trắng" của bà con nông dân ở Nông Cống (Ảnh: Hạnh Linh).

"Trồng hành tốn rất nhiều công chăm sóc và thu hoạch. Năm ngoái, giá cao, thương lái tranh nhau mua, thậm chí còn đặt hàng từ khi hành còn non. Năm nay, giá thấp ngay từ đầu vụ, thương lái không mấy mặn mà", bà Luyện nói.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, cho biết, từ lâu hành tăm là cây trồng chủ lực của bà con trong xã. Có thời điểm cây hành mang lại hiệu quả kinh tế cao, do đó được ví như "vàng trắng".

Theo ông Việt, năm 2024, với 35ha hành tăm, toàn xã thu về hơn 3 tỷ đồng. Việc canh tác hành cũng tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập gần 200.000 đồng/người/ngày.

Năm ngoái, do hành được mùa và bán được giá cao, năm nay bà con mở rộng diện tích trồng. Theo thống kê, xã Trường Sơn hiện có 70ha hành tăm, tăng gấp đôi so với vụ trước.

"Hành năm nay được mùa, củ to, đẹp nhưng giá lại quá thấp, khiến bà con rất thất vọng. Dù giá thấp, người dân vẫn buộc phải thu hoạch vì nếu để quá vụ, hành sẽ bị hỏng", ông Việt nói. Ông cũng cho biết, UBND xã và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã đã liên hệ với các thương lái để hỗ trợ tiêu thụ hành, nhưng lượng bán ra không đáng kể.

Ông Ngô Thế Thứ, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống, xác nhận hiện giá hành tăm trên địa bàn chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Với mức giá này, người nông dân dù bán hết hàng cũng chỉ đủ tiền đầu tư, không có lãi.

Vàng trắng rớt giá một nửa, nông dân vừa thu hoạch vừa lo - 3

Dù mất giá nhưng người dân vẫn phải thu hoạch hành, vì loài củ này nếu không thu đúng thời vụ sẽ bị hỏng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Mọi năm, sau khi thu hoạch, hành tăm được thương lái thu mua và vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay nguồn cung quá lớn dẫn đến giá giảm mạnh", ông Thứ lý giải nguyên nhân giá hành "tụt dốc".

Huyện Nông Cống là "thủ phủ" hành tăm của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 100ha. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, hành trồng tại đây cho củ to, chắc, mùi thơm đặc trưng, tạo nên hương vị riêng biệt.

"Năm ngoái, hành tăm vừa được mùa lại bán được giá cao kỷ lục. Tuy vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích vì sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự điều tiết của thị trường", ông Thứ chia sẻ thêm.