Nỗi lo cán bộ "dứt áo" dù không thuộc diện tinh giản
(Dân trí) - Cầm bằng thạc sĩ, kỹ sư và đủ loại chứng chỉ đào tạo có được sau 11 năm phấn đấu, chị Chu, 36 tuổi, quyết định rời cơ quan nhà nước dù vẫn rất yêu công việc vốn là đam mê từ trẻ.

Cơ chế triệt tiêu động lực làm việc
"Không ở lại chờ xem có được nhận một cục không à?", một người bạn của chị Thu hỏi như vậy, trước thực tế cả nước đang thực hiện đợt thanh lọc lớn với đội ngũ cán bộ công chức.
"Tôi vẫn yêu công việc lắm, rời bỏ tiếc lắm, nhưng giờ không thể tiếp tục được nữa", chị Thu nói bằng giọng tiếc nuối.

Không chờ đến khi có kế hoạch mới, chị Thu quyết tâm nghỉ nhà nước để tìm hướng đi tốt hơn cho bản thân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tốt nghiệp đại học và lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành địa chất thủy văn, vì yêu thích công việc nghiên cứu, chị Thu chấp nhận mức lương chưa bao giờ vượt quá 10 triệu đồng/tháng suốt gần 15 năm qua với hai cơ quan nhà nước.
"Thực ra công việc cũng có nhiều vấn đề nhưng cái cốt lõi nhất vẫn là tôi không còn động lực để làm việc. Cơ chế ở cơ quan tôi vẫn là cào bằng, mọi người ăn lương theo chỉ số, người làm 10 việc cũng như người làm 1-2 việc. Từ đó, mức đãi ngộ cũng không tạo cho mọi người động lực để làm việc", chị Thu phân trần.
Giữ vị trí phó trưởng phòng phụ trách, tức trách nhiệm ngang với trưởng phòng, chị Thu cho biết thực tế công việc còn nhiều hơn, nhưng mức lương chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, nếu trừ đi các khoản đóng bảo hiểm, phí công đoàn, đảng phí, số tiền thực nhận chỉ rơi vào khoảng 7,5 triệu đồng.
"May là gia đình tôi có nhà ở Hà Nội, còn nếu không thì làm sao sống được trong mấy năm qua?", chị Thu than thở.
Vốn định gắn bó với cơ quan để được làm chuyên môn cho đến khi về hưu, chị Thu quyết định nghỉ việc ngay sau Tết âm lịch vì "năm 2024 giống như giọt nước tràn ly". Công việc áp lực hơn, lương không tăng và câu chuyện tinh giản biên chế luôn lơ lửng trên đầu khiến chị không thể tiếp tục.
"Cuối năm tôi không nhận lại được gì trong khi suốt cả năm cống hiến với rất nhiều áp lực. Không có thu nhập tăng thêm vì sếp chúng tôi nói rằng nguồn tiền từ Bộ rót xuống không đủ để trả lương cho nhân viên, vì vậy phải trích khoản thu nhập tăng thêm để bù vào khoản tiền lương cơ bản này", nữ công chức thở dài kể.

Cơ chế đãi ngộ cào bằng, không khuyến khích tinh thần làm việc khiến chị Thu quyết tâm rời khỏi nơi làm việc đã gắn bó hơn 11 năm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Rời nhà nước, chị Thu nhận làm cộng tác viên theo diện chuyên gia cho một số công ty tư nhân. Chị cho biết một số công ty đã mời chị về làm việc với vị trí trưởng phòng mà không quan tâm chuyện bằng cấp, chứng chỉ gì.
"Tôi đã khẳng định được năng lực của mình qua một số dự án cộng tác cùng họ, và đó là tất cả những gì tôi cần chứng minh. Không giống như môi trường nhà nước, để được lên chức tôi phải trải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục phi chuyên môn", nữ thạc sĩ so sánh.
Lương cao hơn 1.000 lần chưa quan trọng bằng khác biệt tư duy
Trước bối cảnh một lượng lớn công chức, viên chức nhà nước phải rời khỏi bộ máy để tìm các cơ hội khác bên ngoài, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, 68 tuổi, từng có hơn 30 năm cống hiến cho một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhớ lại thời điểm rời khỏi lực lượng vũ trang năm 1993.
"Hồi đó tôi nghĩ phải tự cứu mình chứ không ai có thể cứu mình", ông đúc kết.
Là một Đảng viên, sĩ quan quân đội chuyển ngành, sử dụng tốt tiếng Anh và tiếng Nga, năm 1993, lúc đang là chủ nhiệm dự án với lương tháng 405 đồng/tháng (thời điểm đó, kỹ sư mới ra trường hưởng lương 63 đồng/tháng), ông Tuấn quyết định bỏ lại tất cả danh xưng và chức danh trong cơ quan nhà nước để ra ngoài, đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài.
"Quyết định của tôi gặp phải phản ứng dữ dội từ các lãnh đạo, bạn bè, gia đình. Bố tôi vốn là lính Trung đoàn Thủ đô từ năm 1946, mẹ làm cán bộ ở Tổng Công ty Xăng dầu (ở số 1 Khâm Thiên, Hà Nội). Quyết định rời nhà nước lúc đó như một cú sốc với tất cả mọi người. Nhưng đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài cho đến tuổi nghỉ hưu, tôi chưa bao giờ hối hận", ông quả quyết.
Ông Tuấn kể, thời điểm rời khỏi nhà nước, mức lương mà doanh nghiệp trả cho ông là 450 USD/tháng, gấp 1.000 lần mức lương làm nhà nước tính theo tỉ giá thời điểm đó. Nhưng hơn cả, văn hóa làm việc và sự thay đổi tích cực về mặt tư duy là lý do lớn nhất khiến ông dám bứt phá khỏi vùng an toàn.
"Ở doanh nghiệp nước ngoài, tôi không phải chào thủ trưởng khi hết giờ làm việc, cũng không phải thăm thủ trưởng vào ngày lễ, Tết. Hết giờ làm việc, tôi không biết thủ trưởng là ai. Chúng tôi được tôn trọng vì nhân phẩm và kiến thức của mình. Đó là điều tôi làm tôi hạnh phúc", ông kể.
Theo ông Tuấn, những người có cá tính và năng lực như ông được thẳng thắn trao đổi các vấn đề trong công việc, được giải đáp thỏa đáng và "sống chết để làm những gì mình muốn" khi làm trong môi trường tư nhân. Đó là những điều ông không thấy khi làm trong môi trường nhà nước.
Nỗi lo "lọc" mất người có tài
Những nhân lực rời khu vực công như chị Thu, ông Tuấn không hiếm, những lựa chọn tương tự ngày càng nhiều mấy năm trở lại đây. Đặc biệt, khi cả nước đang bước vào công cuộc tái cơ cấu bộ máy. Một trong những mục tiêu của công cuộc này là thanh lọc những cán bộ không đủ năng lực và giữ chân người tài.
Tuy nhiên, trên tinh thần thanh lọc tự nguyện, nhiều cán bộ như chị Thu đã chủ động nghỉ việc để tìm cơ hội mới, bất chấp việc không được nhận chế độ hỗ trợ, khuyến khích nào.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp từng nêu băn khoăn về những con số khác biệt, tại hội thảo khoa học về phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy cuối năm 2024. Đó là ở Việt Nam, 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700.
Các chuyên gia cho rằng, thách thức hiện nay chính là tinh gọn bộ máy theo hướng vừa giảm được số lượng, vừa giữ lại được một bộ máy thực sự chất lượng. Một trong những bộ lọc đầu tiên là dựa vào tinh thần tự nguyện.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải pháp này giúp giảm số lượng nhân sự trong bộ máy, nhưng chưa thể sàng lọc được về mặt chất lượng.
"Logic thông thường là những người có năng lực, có nhiều yếu tố thuận lợi để rời khỏi nhà nước sẽ tự nguyện nghỉ. Thường đó là những người có thể nhìn thấy cơ hội bên ngoài thị trường lao động tự do. Những người đó đều có năng lực khá trở lên. Còn những người có năng lực không phù hợp thì lại không tự nguyện.
Thứ 2, sự tự nguyện thường chỉ phát huy ở những khu vực, những khối công việc mà thị trường bên ngoài có nhu cầu, dẫn đến nguy cơ những người nghỉ toàn là những người có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực", ông Đáng nêu nghịch lý.
Theo ông Đáng, với nhóm lao động có năng lực nhưng chủ động rời khỏi bộ máy, cần phải có các cơ chế về mặt dài hạn để giữ chân những người này. Ông Đáng cho rằng trước một nhân sự có năng lực, cần phải cẩn trọng khi phê duyệt đơn xin nghỉ việc.
Lãnh đạo cơ quan phải có kế hoạch sắp xếp, bố trí nhân sự này những vị trí đánh giá được năng lực của họ, tránh để họ thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi. Khi được ghi nhận và có nhiều cơ chế đãi ngộ thỏa đáng hơn, cán bộ mới tiếp tục làm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng lo việc khuyến khích nghỉ việc tự nguyện có thể vô tình "lọc" mất cán bộ tốt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo các chuyên gia, cần nhìn nhận, vấn đề trong tổ chức bộ máy khiến cho nhiều nhân sự có năng lực chủ động xin thôi việc. Trong đó, cơ chế đãi ngộ cào bằng cần được thay thế bởi một cơ chế linh hoạt và đánh giá đúng năng lực, đóng góp của từng cá nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng cho rằng quá trình tinh gọn bộ máy là một quá trình gian nan. Tuy nhiên, khi thực hiện chuẩn chỉ các nguyên tắc, bộ máy mới sẽ minh bạch hơn, cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực sẽ có thêm động lực để làm việc.