Nghề rùng rợn, lóc xương rắn, lột xác chó nhà... bán hàng chục triệu đồng
(Dân trí) - Giữa vô vàn những nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, nghề làm tiêu bản xương động vật là công việc đầy bí ẩn, có phần rùng rợn.
Khi cái chết hóa nghệ thuật
Phạm Quang Hiếu, chàng trai 26 tuổi đến từ Đồng Nai, đã dành trọn đam mê và công sức để theo đuổi nghề làm tiêu bản suốt 6 năm qua. Với anh, mỗi bộ xương không chỉ là phần còn lại của một sinh vật đã rời vòng sinh tồn, mà còn là một câu chuyện, một tác phẩm nghệ thuật cần được bảo tồn.
Cơ duyên đến với nghề làm tiêu bản của anh bắt nguồn từ một sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
"Năm 2019, lần đầu tiên tôi nuôi một bé trăn đất nhỏ. Vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc, tôi đã để bé chết. Khi đó, tôi tự hỏi tại sao phải chôn hoặc thiêu đi vật nuôi yêu thích khi có thể giữ lại một phần nào đó của bé. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về việc làm tiêu bản xương động vật và gắn bó với nghề này đến nay", anh Hiếu kể lại.
Ban đầu, gia đình không phản đối việc làm của Hiếu vì nghĩ đó chỉ là sở thích nhất thời khi anh còn đang đi học. Thế nhưng, sau khi Hiếu tốt nghiệp đại học và quyết định theo đuổi nghề một cách nghiêm túc, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.

Với anh, đây là một công việc mang giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn khoa học (Ảnh: NVCC).
Anh Hiếu kể: "Bố mẹ có phần lo lắng, nhưng tôi đã chứng minh cho gia đình thấy đây không chỉ là thú vui, đam mê mà còn là một công việc nghiêm túc, mang lại giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn khoa học".
Dù không có nền tảng khoa học hay nghệ thuật, anh dành nhiều năm tự học và thử nghiệm. Anh cho biết, một tiêu bản xương hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như xử lý da, loại bỏ nội tạng, tẩy dầu, tẩy trắng và ráp xương. Trong đó, tẩy dầu là khâu khó nhất vì mất thời gian và cần sự tỉ mỉ cao, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến các khớp gãy, buộc phải làm lại từ đầu.
Đặc biệt, việc ghép xương và tái tạo lại dáng vẻ tự nhiên của động vật, khâu này không hề đơn giản. Để làm được điều đó, anh phải nghiên cứu sâu về giải phẫu và quan sát chuyển động của động vật còn sống. Đối với anh, xương cá là loại khó xử lý nhất vì nhỏ, mỏng và có cấu trúc cực kỳ phức tạp.
Một bộ tiêu bản anh Hiếu thường mất từ 1-2 tháng để hoàn thiện. Thậm chí, có những bộ có thể mất thời gian cả năm.
"Tôi còn sáng tạo ra một bộ sưu tập riêng gọi là "sinh vật thần thoại", kết hợp xương của nhiều loài khác nhau để tạo ra những sinh vật chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Đó là cách mình biến công việc này thành một hành trình nghệ thuật thực sự", chàng trai trẻ tâm sự.
Lưu giữ ký ức qua từng khung xương
Dù nhiều người cho rằng công việc của anh kỳ lạ hay có phần rùng rợn, anh lại nhìn nhận theo một cách rất khác.
Anh cho biết nếu sợ thì đã không theo nghề này. Tiêu bản xương không chỉ giúp hiểu rõ hơn về thế giới động vật, mà còn là cách để lưu giữ ký ức về vật nuôi đã mất.
Anh từng gặp nhiều khách hàng mang theo những câu chuyện đầy cảm động. Nhớ nhất là cặp vợ chồng từ Cần Thơ, vượt quãng đường xa trong ngày lên TPHCM để gửi xác chú chó gắn bó với gia đình hơn 10 năm nhờ anh làm tiêu bản.
"Họ đã khóc rất nhiều khi kể về chú chó. Chính những khoảnh khắc đó khiến tôi càng thêm yêu và trân trọng công việc này", anh Hiếu kể.

Anh Hiếu và tiêu bản trăn đất dài tới 2,6m (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh ý nghĩa tình cảm, tiêu bản xương cũng có giá trị lớn trong khoa học và giáo dục. Nhờ những bộ xương hoàn chỉnh này, sinh viên, nhà nghiên cứu và những người yêu thích động vật có thể hiểu rõ hơn về cấu trúc giải phẫu của từng loài.
Anh cho biết, khách hàng của anh chủ yếu thuộc hai nhóm là những người đam mê sưu tầm tiêu bản để trang trí hoặc nghiên cứu và những người muốn lưu giữ kỷ niệm về thú cưng.
Giá trị của một tiêu bản xương cũng khó để định giá chính xác, phụ thuộc vào độ phức tạp của mẫu vật, thời gian hoàn thiện và kích thước của bộ xương. Bộ tiêu bản đắt nhất mà anh từng bán có giá lên tới 30 triệu đồng.
Trải qua nhiều năm, với hàng trăm bộ tiêu bản được hoàn thành, anh vẫn tiếp tục đam mê và không ngừng sáng tạo.
Anh Hiếu khẳng định: "Có một mẫu tôi làm suốt hơn hai năm nay nhưng vẫn chưa xong, tôi muốn nó phải thật hoàn hảo, đúng như hình dung trong đầu. Với tôi, mỗi tiêu bản không chỉ là công trình khoa học mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ".