Giáo viên về hưu 5 năm vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp?
(Dân trí) - Hàng trăm giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập từ bậc mầm non đến trung học cơ sở tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa nhận được phụ cấp ưu đãi theo quy định.
Về hưu gần 5 năm nhưng chưa nhận được chế độ phụ cấp
Bà Đặng Thị Thành, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 1989 đến năm 2020, bà luôn được giao nhiệm vụ giảng dạy cả học sinh khuyết tật.
Ngày 10/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 28, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Theo Khoản 1, Điều 7 của nghị định này, giáo viên dạy học sinh khuyết tật sẽ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi.

Bà Thành đã về hưu gần 5 năm nhưng vẫn chưa được nhận chế độ ưu đãi theo Nghị định 28 (Ảnh: Hạnh Linh).
"Khi nghị định ra đời, tôi rất vui vì được nhà nước quan tâm, tiếp thêm động lực để gắn bó với nghề. Tuy nhiên, dù chờ đợi nhiều năm, đến khi nghỉ hưu vào cuối năm 2020, tôi vẫn chưa được nhận chế độ này", bà Thành chia sẻ.
Đầu năm 2022, khi đang là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Nga Thạch, bà được nhà trường hướng dẫn làm hồ sơ để nhận chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm học 2012-2013 đến 2020-2021. Theo cách tính của Nghị định 28, tổng số tiền phụ cấp mà bà được hưởng từ tháng 9/2012 đến tháng 10/2020 là hơn 37 triệu đồng.
"Tuy nhiên, hơn 3 năm kể từ khi làm hồ sơ và gần 5 năm từ ngày nghỉ hưu, tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào", bà Thành nói.
Không chỉ bà Thành, theo tìm hiểu, tất cả giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập từ bậc mầm non đến trung học cơ sở giai đoạn 2012-2021 tại huyện Nga Sơn đều chưa nhận được phụ cấp.

Giáo viên của 82 trường từ cấp học mầm non đến trung học cơ sở tại huyện Nga Sơn rất mong nhận tiền ưu đãi theo Nghị định 28 (Ảnh: Hạnh Linh).
Một hiệu trưởng tại huyện Nga Sơn cho biết, hàng năm, nhà trường có thống kê, báo cáo về việc dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, giáo viên vẫn chưa được chi trả khoản phụ cấp này.
Vị hiệu trưởng lý giải rằng, trước năm 2022, các trường không lập kế hoạch giáo dục riêng cho học sinh khuyết tật, vì vậy, không có hồ sơ đầy đủ để xét duyệt trợ cấp.
"Dạy học sinh khuyết tật là công việc rất vất vả. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thì cần tháo gỡ khó khăn về hồ sơ, tránh để giáo viên bị thiệt thòi", vị hiệu trưởng đề nghị.
Lý do giáo viên chưa được nhận phụ cấp ưu đãi
Ông Phạm Văn Úy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nga Sơn, xác nhận, giai đoạn 2012-2021, giáo viên tại 82 trường Mầm non đến Trung học cơ sở trên địa bàn huyện chưa nhận được phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 28.
Ông Úy cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc chậm chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật. Trong đó, có lý do ngành chậm ra các văn bản hướng dẫn.
"Nghị định 28 ra đời năm 2012 nhưng đến năm 2016 thì Bộ GĐ&ĐT mới có văn bản hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Nghị định này. Tháng 3/2018, Bộ GD&ĐT ra Thông tư quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa mới hướng dẫn việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức hòa nhập", ông Úy dẫn chứng.

Sổ theo dõi tiến độ của học sinh khuyết tật (Ảnh: Hạnh Linh).
Ông Úy cho hay, một nguyên nhân nữa là do hồ sơ không đầy đủ. Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 28, hồ sơ xét duyệt trợ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật cần có giấy xác nhận mức độ khuyết tật của học sinh, kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh và sổ theo dõi tiến độ học tập của học sinh.
Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2021, hầu hết các trường không có kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật. Giáo viên cũng không cung cấp được bản gốc sổ theo dõi tiến độ hoặc giấy chứng nhận khuyết tật của học sinh.
Trước tình trạng hồ sơ có dấu hiệu "mới làm lại", Phòng GD&ĐT yêu cầu các hiệu trưởng - thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ - xác nhận tính xác thực của các tài liệu. Tuy nhiên, không có hiệu trưởng nào chịu ký xác nhận rằng hồ sơ này là bản gốc được lưu trữ từ những năm trước.
"Chúng tôi hiểu rằng giáo viên rất mong được nhận chế độ này, nhưng nếu không có đủ hồ sơ hợp lệ, phòng không thể làm khác được. Nếu nhà trường ký cam kết hoặc giáo viên chứng minh được hồ sơ của mình là bản gốc, chúng tôi sẽ lập danh sách gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch để xin cấp kinh phí. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giáo viên và nhà trường đều không cung cấp được", ông Úy chia sẻ.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, kế hoạch năm học là một trong những tài liệu bắt buộc để xét duyệt trợ cấp. Đây cũng là hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn theo quy định. Vì vậy, nếu giáo viên không thể cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, khả năng nhận được khoản trợ cấp là rất thấp.