Công nhận thương binh đối với cán bộ bị bỏng nặng khi cứu rừng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trong nỗ lực cứu rừng, anh Trịnh Văn Hà (Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, Nghệ An) bị bỏng nặng. Cán bộ giữ rừng phải mang di chứng suốt đời với tỉ lệ tổn thương 52% cơ thể.

Ngày 1/4, anh Trịnh Văn Hà (SN 1990, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc, Nghệ An) xác nhận bản thân đã được công nhận là thương binh.

Theo quyết định của Sở Nội vụ Nghệ An, với tỉ lệ tổn thương cơ thể 52%, anh Hà được hưởng trợ cấp 4.650.000 đồng/tháng, bắt đầu từ 1/2.

Công nhận thương binh đối với cán bộ bị bỏng nặng khi cứu rừng - 1

Anh Trịnh Văn Hà được công nhận là thương binh và hưởng trợ cấp hàng tháng (Ảnh: Việt Linh).

"Được công nhận là thương binh đối với tôi là điều hết sức có ý nghĩa. Sự nỗ lực, cố gắng và mất mát của tôi trong quá trình tham gia chữa cháy rừng đã được các ngành, các cấp ghi nhận", anh Hà chia sẻ.

Anh Hà cũng cho rằng, với việc xét và công nhận thương binh đối với cán bộ giữ rừng bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng đối với lực lượng đặc thù này.

Trước đó, trưa 23/8/2024, khu rừng thông xen keo tại xã Nghi Tiến (thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc) bốc cháy. Anh Hà cùng các đồng nghiệp, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân có mặt tại hiện trường để dập lửa, cứu rừng.

Các lực lượng đã quần thảo với giặc lửa trong suốt nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng để hạn chế cháy lan, giảm thiểu thiệt hại.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Hoàng Văn Sùm (cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc) và anh Trịnh Văn Hà bị bỏng, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công nhận thương binh đối với cán bộ bị bỏng nặng khi cứu rừng - 2

Anh Hà chịu di chứng nặng nề do bị bỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe trong sinh hoạt và lao động (Ảnh: Việt Linh).

Riêng anh Hà, bị bỏng nặng toàn thân, phải chuyển bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật ghép da, điều trị trong nhiều tháng trời.

Anh Hà quay trở lại công việc với nhiều vết sẹo lồi trên cơ thể. Vết thương thường xuyên gây ngứa, đau, nứt nẻ ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc của anh. Bên cạnh đó, nam cán bộ rừng phòng hộ này phải mang găng tay chuyên dụng trong 2 năm để cố định sẹo, phục hồi chức năng của hai bàn tay.

Quá trình anh Hà phục hồi chức năng và sống chung với di chứng do bỏng gây nên còn rất dài và tốn kém. Bởi vậy, khoản trợ cấp thương binh hàng tháng có ý nghĩa quan trọng, giúp anh và gia đình giảm áp lực về kinh tế.

"Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tôi cũng được đơn vị bố trí công tác phù hợp với sức khỏe hiện tại, đảm bảo thu nhập để lo cho cuộc sống", anh Hà chia sẻ thêm.