Chàng trai khởi nghiệp từ vốn vay 5 triệu với kho mảnh thủy tinh vỡ
(Dân trí) - Từ những mảnh vỡ tưởng chừng vô dụng, người nghệ sĩ trẻ Cao Minh Ngọc đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Từ vết thương thời thơ ấu đến ý tưởng nghệ thuật
Hành trình sáng tạo nghệ thuật từ vỏ chai của chàng trai trẻ Cao Minh Ngọc (24 tuổi, Hà Giang) bắt nguồn từ một tai nạn thời thơ ấu.
Trong một lần đi tắm suối, chân của anh Ngọc chảy máu không ngừng khi giẫm phải mảnh thủy tinh sắc nhọn. Từ đó, Ngọc luôn trăn trở về chuyện đồ thủy tinh bị vứt bỏ bừa bãi. Lớn lên, băn khoăn thời "trẻ trâu" trở thành động lực để anh biến những mảnh vỡ thành sản phẩm nghệ thuật.
Khi xuống Hà Nội học tập và làm việc, Ngọc bắt đầu thử nghiệm với các vật liệu tái chế như chai thủy tinh, vỏ lon, gỗ vụn. Ban đầu, anh chỉ làm những món đồ đơn giản như cốc, đĩa hay đèn ngủ.

Ngọc thường dành nhiều thời gian rong ruổi khắp Hà Nội để tìm vỏ chai lọ ưng ý (Ảnh: NVCC).
Anh thường phải chia đôi quỹ thời gian với nửa ngày học trên lớp, nửa ngày rong ruổi khắp Hà Nội thu gom vỏ chai cũ. Thấy chai nào đẹp, nam thanh niên lại gom hết về, biến căn phòng trọ nhỏ thành một kho chứa chai lọ.
Khởi nghiệp gần như từ con số không, Ngọc chỉ có 5 triệu đồng vay mượn từ gia đình để mua dụng cụ làm tranh. Để tiết kiệm chi phí, anh tận dụng sân thượng căn nhà thuê làm xưởng sản xuất. May mắn có một người bạn đồng hành, anh nhận được sự hỗ trợ từ việc nhập hàng, tư vấn khách đến quản lý tài chính.
Nhờ khách hàng đặt trước và thanh toán sớm, anh xoay vòng vốn hiệu quả, dần mở rộng quy mô sản xuất. Từng chút một, anh tích góp để đầu tư thêm nguyên vật liệu và thiết bị.
Chế mảnh vỡ thành tiền
Một trong những sản phẩm nổi bật nhất của anh Ngọc chính là tranh 3D chế tác từ vỏ chai rượu.
Nam nghệ nhân cho biết, quy trình tạo ra một bức tranh 3D từ vỏ chai rượu vỡ không hề đơn giản. Đầu tiên phải thu thập nguyên liệu vỏ chai, khung tranh, keo và các vật dụng trang trí.
Sau đó, bước được coi là thú vị và khó đoán nhất là đập chai. Những mảnh vỡ với mọi hình thù khác nhau sau đó sẽ được sắp xếp tỉ mỉ tạo thành bố cục tranh trước khi cố định bằng lớp keo trong suốt.

Ngọc mở các lớp trải nghiệm dạy làm đồ tái chế từ vỏ chai cho đa dạng đối tượng (Ảnh: NVCC).
Anh chia sẻ, một bức tranh hoàn chỉnh mất khoảng 12-15 giờ để hoàn thành, trong đó thời gian chờ keo khô là lâu nhất. Những ngày trời nồm ẩm, keo có thể mất đến 20 giờ mới khô hoàn toàn. Theo anh, công đoạn khó nhất không phải là đập chai hay đổ keo, mà chính là sắp xếp bố cục.
"Có những bức tranh tôi phải sắp xếp, làm đi làm lại đến cả chục lần mà vẫn chưa thấy ưng ý. Đôi khi, không phải do bí ý tưởng mà do chính hoa văn trên thân chai quá độc đáo khiến tôi loay hoay không biết làm thế nào để tôn lên hết vẻ đẹp của nó", anh Ngọc chia sẻ.
Bởi với anh, mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng - ngay cả khi khách hàng muốn đặt lại một tác phẩm cũ, điều đó cũng rất khó, vì mỗi lần đập chai, những mảnh vỡ lại có hình dáng khác nhau. Chính sự ngẫu nhiên ấy tạo nên nét độc đáo, riêng có, cuốn hút cho công việc này.
Trong hàng trăm bức tranh anh từng làm, có một đơn hàng đặc biệt mà anh không bao giờ quên. Đó là bức tranh do một cậu bé 14 tuổi đặt tặng người bạn thân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Cậu bé mong muốn bức tranh ấy không chỉ lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất của hai người mà còn trở thành nguồn động viên tinh thần cho bạn mình.
Khi nhận đơn hàng, anh chợt nhận ra công việc không chỉ là sự sáng tạo, mà còn là hành trình tái sinh cho những chiếc chai vỡ, cho những ký ức quý giá và cho cả những câu chuyện đẹp vẫn luôn tồn tại quanh ta.
Nghệ thuật tái chế là một thị trường ngách, nhưng khách hàng của anh lại rất đa dạng. Từ sinh viên cho tới những anh chị trung niên - những người trước đây chỉ trưng bày chai rượu trên kệ tủ nhưng dần cảm thấy nhàm chán. Khi nhìn thấy sản phẩm của anh, họ bị thu hút bởi sự sáng tạo và nét phá cách, trong khi giá thành lại ở mức hợp lý.
Hiện tại, khách hàng của anh đến từ khắp mọi miền đất nước, phần lớn là chủ quán cà phê, homestay, tiệm tóc… Nhờ đã chuẩn hóa quy trình đóng gói, anh có thể vận chuyển tranh đi bất cứ đâu mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nghệ sĩ trẻ chủ yếu bán tranh khung A4 và A3 với giá dao động 400.000-750.000 đồng. Những bức tranh có kích thước lớn hơn, sử dụng chai rượu hiếm hoặc yêu cầu thiết kế đặc biệt có thể lên tới hàng triệu đồng.