Cán bộ sau sáp nhập tỉnh, tinh giảm xã: Lương thấp vẫn 1 "chọi" 100?

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Dự kiến có 85% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về cấp cơ sở, đồng nghĩa với năng lực của cán bộ cấp xã cũng phải cao hơn nhiều, dù thu nhập chưa thể thay đổi đột phá, khác biệt

Khả năng xử lý lượng công việc lớn, phức tạp

Dự kiến, sau sáp nhập, cả nước còn lại 34 tỉnh, thành phố, giảm một nửa số xã, phường và bỏ hoàn toàn cấp huyện. Trong bối cảnh mới đó, nhiệm vụ của cán bộ cấp cơ sở vừa nhiều lên vừa nặng nề hơn. 

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng nhân sự cấp xã có thể phân thành 2 nhóm: lãnh đạo quản lý và cán bộ hành chính, chuyên môn. Yêu cầu nhiệm vụ đối với cả 2 nhóm đều tăng lên đáng kể. 

"Lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập không còn đơn giản như xưa nữa. Yêu cầu về tư duy, tầm vóc, tác phong, bản lĩnh với Bí thư, Chủ tịch xã nhất định phải cao hơn, để xử lý khối lượng công việc lớn và rõ ràng phức tạp hơn. 

Với đội ngũ công chức, viên chức hành chính chuyên môn, khi chính quyền cấp xã phải thực hiện nhiều dịch vụ công, sẽ có rất nhiều hoạt động quản lý cấp xã trực tiếp với người dân, đòi hỏi cán bộ cấp xã phải thực hiện được những nhiệm vụ mà cán bộ cấp huyện trước đây từng làm với khối lượng lớn hơn", ông Đáng phân tích. 

Cán bộ sau sáp nhập tỉnh, tinh giảm xã: Lương thấp vẫn 1 chọi 100? - 1

TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng yêu cầu về tư duy, tầm vóc, tác phong, bản lĩnh của cán bộ trong bộ máy mới phải lớn hơn nhiều so với trước đây (Ảnh: NVCC).

Theo chuyên gia, những người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở như Bí thư xã phải đủ năng lực để tham gia Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thậm chí là Thường vụ tỉnh ủy. Tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo như vậy khác hẳn với Bí thư của một xã với quy mô khoảng vài nghìn dân hiện nay. 

Nhận định chung, công việc cấp xã từ trước đến nay vốn đã quá tải, ông Nguyễn Đức Lam, cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (thuộc Hội truyền thông số Việt Nam), lo ngại khi phần lớn nhiệm vụ của cấp huyện tới đây sẽ chuyển về xã. Khi công việc nặng nề hơn, nếu đội ngũ cán bộ cơ sở không đủ về cả số lượng lẫn chất lượng nhân sự, sẽ dễ dẫn đến xáo trộn, ách tắc trong quá trình xử lý thủ tục hành chính. 

"Hệ thống nhiệm vụ hành chính như một cái phễu, ở trên có việc gì thì xuống dưới có việc đấy. Nhưng lâu nay ở cấp cơ sở, nguồn nhân lực rất hạn chế. Thực tế cấp tỉnh có Sở Tư pháp, huyện có Phòng Tư pháp với số lượng nhân sự lớn, chuẩn hóa nhưng xuống cấp xã chỉ có một công chức tư pháp hộ tịch, lo mọi công việc liên quan. Tới đây thêm cả công việc từ cấp huyện dồn xuống có nghĩa là chỉ riêng công chức tư pháp hộ tịch này đã phải lo lượng công việc gấp đôi, gấp ba", ông Lam băn khoăn. 

Ông cũng nhắc đến chủ trương, định hướng chung là đưa cán bộ cấp huyện hiện tại về xã nhưng như vậy khả năng mới chỉ giải quyết được phần việc quá tải lâu nay ở cơ sở. 

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, năng lực chuyên môn là yếu tố được quan tâm hàng đầu với cán bộ sau sáp nhập vì đây là thời điểm "làm thực chất, đo kết quả thực chất, không còn chỗ cho những đánh giá cảm tính trước đây". 

Cán bộ sau sáp nhập tỉnh, tinh giảm xã: Lương thấp vẫn 1 chọi 100? - 2

Khối lượng công việc nhiều hơn đòi hỏi cán bộ đảm đương phải đủ năng lực chuyên môn (Ảnh: Hằng Nguyễn).

Tinh thần dám nghĩ, dám làm

Điều 35 dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến nêu 3 trường hợp cán bộ, công chức có thể được miễn trách nhiệm.

Thứ nhất, cán bộ chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên sau khi đã báo cáo với người ra quyết định.

Thứ hai, cán bộ thực hiện hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung,

Thứ ba là trường hợp bất khả kháng.

So với luật hiện hành, dự luật bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm với cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Theo các chuyên gia, tinh thần dám nghĩ, dám làm được nhấn mạnh cả trong luật lẫn trong thực tế. Một trong những lý do khu vực nhà nước lâu nay kém thu hút với người lao động có năng lực là bởi các quy định khắt khe, phức tạp khiến cán bộ khó phát huy được tính năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới.

Cán bộ sau sáp nhập tỉnh, tinh giảm xã: Lương thấp vẫn 1 chọi 100? - 3

Bối cảnh mới không còn chỗ cho những cán bộ ngại đụng chạm, muốn yên thân (Ảnh: Hằng Nguyễn).

Trước đó, theo Nghị định số 73 năm 2023 của Chính phủ, nhà nước khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 

Nghị định quy định, trường hợp cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo không hoàn thành hoặc gây ra thiệt hại nhưng có động cơ trong sáng và vì lợi ích chung sẽ được bảo vệ.

TS Nguyễn Văn Đáng nhận định, sau cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, cả hệ thống rất cần những cán bộ không những giỏi chuyên môn mà phải có bản lĩnh chính trị. "Bối cảnh mới không còn chỗ cho những người muốn yên thân, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Chỉ có bứt phá, bung ra mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới", ông Đáng nhấn mạnh. 

Các quy định hiện hành cũng đang hướng tới bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Bộ Nội vụ nhấn mạnh, quy định mới sẽ tạo ra môi trường và điều kiện để thúc đẩy sự sáng tạo, từ đó thu hút nhân tài vào khu vực công. 

Động lực cống hiến của "người nhà nước"

Nói về những yếu tố then chốt để tuyển chọn cán bộ phù hợp với bộ máy sau sáp nhập, TS Nguyễn Văn Đáng nêu nguyên tắc "tinh thần phù hợp với lợi ích chung luôn là một trong những tiêu chí cần phải có". Thực tế, có những người rất giỏi chuyên môn, nhưng đề cao lợi ích kinh tế cá nhân mà xem nhẹ lợi ích của nhà nước. Theo ông Đáng, người có quan điểm như vậy không phù hợp với công việc làm công bộc.

Theo các chuyên gia, mức đãi ngộ với công chức, viên chức nhà nước lâu nay thấp hơn đáng kể so với khu vực tư nhân. Rõ ràng, người lao động khi xác định làm việc trong môi trường nhà nước không nên đặt vấn đề thu nhập lên hàng đầu. 

Ông Nguyễn Đức Lam nêu thực tế, một cơ quan hành chính công của Nhật Bản có tỉ lệ cạnh tranh khi ứng tuyển là 1 "chọi" 100, dù mức lương ở khu vực công tại đây cũng thấp hơn nhiều so với khu vực tư.

"Nhiều người ứng tuyển vì sự uy tín của "người nhà nước". Khả năng được trọng vọng khi làm cho cơ quan nhà nước cũng cao hơn môi trường tư nhân. Với nhiều người, được đóng góp và tôn trọng còn có ý nghĩa lớn hơn thu nhập. Tạo được động lực cống hiến như thế trong môi trường nhà nước là rất quan trọng", ông đúc kết.