Bộ Nội vụ sẵn sàng hỗ trợ địa phương kết nối cung cầu lao động

Thế Kha

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ địa phương thực hiện việc kết nối cung cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực khi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Sáng 24/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị phát triển nguồn nhân lực và hội chợ việc làm năm 2025 với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và hơn 400 doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh khẳng định nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp của Vĩnh Phúc nên đã đẩy mạnh thực hiện, mở rộng quy mô các dự án kinh doanh vào tỉnh.

Bộ Nội vụ sẵn sàng hỗ trợ địa phương kết nối cung cầu lao động - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh (Ảnh: Thế Kha).

Hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc năm nay, theo ông Thanh, có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với việc kết nối thị trường lao động tại địa phương, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá công tác cung ứng lao động của tỉnh Vĩnh Phúc còn hạn chế, tình trạng thiếu lao động cục bộ xảy ra, xuất hiện sự lãng phí nhất định lao động qua đào tạo, có tay nghề của một số nhóm ngành do thiếu sự kết nối cung - cầu trên thị trường.

Khả năng đáp ứng yêu cầu nhân lực có sức khỏe, chuyên môn, tay nghề và các kỹ năng khác của người sử dụng lao động, thị trường lao động của một bộ phận lao động Vĩnh Phúc chưa cao.

Với định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch, công nghiệp máy tính, điện tử, điện dân dụng, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô - xe máy, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, yêu cầu về đào tạo và đào tạo lại, cung ứng nhân lực kịp thời, đáp ứng về số lượng và chất lượng ngày càng cấp thiết - đặc biệt là lao động chất lượng cao, có tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc độc lập, có khả năng ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật.

Để làm được điều đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, giải quyết việc làm, Vĩnh Phúc cần chú trọng kết nối cung - cầu lao động để sử dụng hợp lý, hiệu quả nhân lực hiện có. Tỉnh cũng cần có chính sách phù hợp về đào tạo nghề, cung ứng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc tổ chức hội nghị này. Sự tham gia đầy đủ và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề cũng cho thấy quyết tâm chung trong xây dựng một thị trường lao động năng động, hiệu quả và bền vững.

"Bộ Nội vụ luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện chính sách, giải pháp kết nối cung cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế", Thứ trưởng Lê Văn Thanh bày tỏ.

Bộ Nội vụ sẵn sàng hỗ trợ địa phương kết nối cung cầu lao động - 2

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cùng các đại biểu tham quan hội chợ việc làm (Ảnh: Hồng Yến).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông tin tưởng hội nghị phát triển nguồn nhân lực năm nay sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng, hình thành và phát triển cơ chế hợp tác chặt chẽ, bền vững và hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo.

Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, có giải pháp phù hợp trong kết nối cung - cầu lao động, theo nhận định của ông Đông.

Người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ thị về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và làm tốt công tác quản lý lao động.

Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cũng được yêu cầu chủ động phối hợp rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; kịp thời triển khai các chính sách về lao động, việc làm của Trung ương và của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thu hút, giữ chân người lao động.

Chủ tịch Vĩnh Phúc giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động; xây dựng khu nhà ở cho công nhân, các cơ sở giáo dục.

Bộ Nội vụ sẵn sàng hỗ trợ địa phương kết nối cung cầu lao động - 3

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, hợp đồng về đào tạo nghề, cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Hồng Yến).

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, ông Đông nêu rõ phải chủ động liên kết với doanh nghiệp trong giới thiệu, đào tạo và cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu. Các doanh nghiệp có kế hoạch, định hướng dài hạn về tuyển chọn, sử dụng lao động và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ để thu hút, giữ chân người lao động.

Trong khuôn khổ hội nghị trên, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với doanh nghiệp và người lao động được tổ chức như tọa đàm, đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người lao động trong  tuyển dụng, sử dụng lao động và đào tạo nghề.

Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng về đào tạo nghề, cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Thu nhập bình quân của người lao động gần 11 triệu đồng/người/tháng

Thống kê của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, năm 2024 toàn tỉnh có hơn 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 250.400 lao động. Ước tính quý I năm nay có 8.590 doanh nghiệp đang hoạt động và sử dụng 251.000 lao động.

Trong đó, gần 10.500 lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy; 67.900 lao động làm việc trong các doanh nghiệp điện tử; 54.000 lao động làm việc trong doanh nghiệp dệt may, da giày.

Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp ước gần 11 triệu đồng/người/tháng.

Dự kiến 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tuyển dụng gần 22.000 người và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo cũng như nhân lực kỹ thuật cao sẽ ngày càng tăng.