Nâng cao an toàn trong vận hành đường sắt đô thị bắt đầu từ đào tạo

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Hội thảo về "An toàn trong vận hành đường sắt đô thị" do Trường Cao đẳng Đường sắt phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức đã diễn ra vào ngày 17/4 tại Hà Nội.

Hội thảo là sự kiện quan trọng thuộc dự án hợp tác kỹ thuật "Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho trường Cao đẳng Đường sắt" với mục tiêu nâng cao kiến thức, tạo sự chuyển biến nhận thức về công tác đảm bảo an toàn trong vận hành đường sắt đô thị. Trong đó tập trung vào các cơ chế phòng ngừa tai nạn và sự cố. 

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chuyên môn hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam cùng các giảng viên của trường Cao đẳng đường sắt đã trao đổi sâu về vấn đề an toàn trong vận hành đường sắt đô thị.

Nâng cao an toàn trong vận hành đường sắt đô thị bắt đầu từ đào tạo - 1

Ông Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt - phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Theo đánh giá của các chuyên gia, đường sắt đô thị có những đặc thù riêng và khác biệt với hệ thống đường sắt quốc gia hiện hữu. Đường sắt đô thị hoạt động với tần suất cao, khối lượng vận chuyển lớn, được điện khí hóa và có hạ tầng tách biệt (như cầu cạn, hầm ngầm). 

Vì vậy, kinh nghiệm xử lý sự cố và phòng ngừa tai nạn, rủi ro trong lĩnh vực đường sắt đô thị tại Việt Nam còn gặp khá nhiều hạn chế. 

Nhật Bản là quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và thành công trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Mô hình vận hành an toàn của Nhật Bản đã được các chuyên gia Nhật giới thiệu một cách chi tiết và trực quan thông qua chính những sự cố lớn đã xảy ra trong quá khứ.

Khoảng 50 năm trước, những vụ tai nạn đường sắt đô thị có quy mô trên dưới 100 người thiệt mạng xảy ra khá nhiều tại Nhật. Điển hình như vụ tai nạn khiến 160 người thiệt mạng tại ga Mikawashima do tàu vượt tín hiệu dừng. Hay vụ tai nạn do trật bánh tàu ở ga Tsurumi năm 1963 khiến 161 người thiệt mạng.

Từ thập niên 90 trở lại đây, số vụ tai nạn đường sắt tại Nhật giảm đáng kể và khoảng 25 năm trở lại đây được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Shiro Hagimori - Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản - nhấn mạnh: dù hiện tại không xảy ra tai nạn cũng không được nghĩ là an toàn.

Tại Việt Nam, đường sắt đô thị sử dụng hệ thống đường sắt tiên tiến, hình dạng tuyến đơn giản nên ít xảy ra tai nạn hơn so với đường sắt thông thường. Song, nguy cơ vẫn có nếu khâu quản lý an toàn không được chú trọng. 

Chuyên gia Nhật chỉ ra một yếu tố nguy cơ điển hình như trường hợp hệ thống tự động bị lỗi, con người phải xử lý thay cho máy móc nhưng do quá phụ thuộc vào máy nên không biết cách xử lý hoặc xử lý thiếu chính xác.

Nâng cao an toàn trong vận hành đường sắt đô thị bắt đầu từ đào tạo - 2

Chuyên gia phân tích các vấn đề trong vận hành đường sắt đô thị (Ảnh: BTC).

Từ thực tế đó, các chuyên gia, giảng viên hai bên cùng phân tích, thảo luận về phương pháp đào tạo an toàn vận hành trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM trở nên bức thiết.

Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu hụt chương trình đào tạo bài bản và đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như kỹ thuật vận hành và bảo trì đường sắt đô thị. 

Dự án "Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho trường Cao đẳng Đường sắt" đặt mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật giáo trình phù hợp với công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cao năng lực giảng viên thông qua các khóa tập huấn trong và ngoài nước. 

Từ năm 2022 đến nay, JICA đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyển giao kiến thức và kỹ thuật cho hơn 50 cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng Đường sắt, bao gồm các chuyên ngành như an toàn, đầu máy toa xe, công trình kiến trúc, quản lý nhà ga, lái tàu… 

Ngoài ra, đã có hơn 30 cán bộ, giảng viên Việt Nam được cử sang Nhật Bản tham gia các khóa đào tạo, tham quan và trao đổi thực tế tại các nhà ga, trung tâm điều độ, cơ sở bảo trì và trung tâm đào tạo của các doanh nghiệp vận hành đường sắt như Tokyo Metro và JR East… 

Các hoạt động này giúp đội ngũ giảng viên của trường Cao đẳng Đường sắt tiếp cận trực tiếp với công nghệ hiện đại và mô hình đào tạo tiên tiến của Nhật Bản.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của JICA, việc hoàn thiện giáo trình và các chương trình đào tạo liên quan đến đường sắt đô thị đang được triển khai tích cực.

Ông Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt - bày tỏ hy vọng sự hợp tác chặt chẽ của nhà trường với các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cùng các chuyên gia, nhà quản lý ở Việt Nam sẽ giúp tìm ra những giải pháp an toàn nhất cho đường sắt đô thị tại Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng nhân lực và kỹ thuật vững chắc cho sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam trong tương lai.