Khảo cổ Vĩnh Hưng nơi có tháp cổ nghìn tuổi là di tích quốc gia đặc biệt

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng nơi có ngôi tháp cổ nghìn năm tuổi là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại ở Tây Nam Bộ.

Ngày 26/4, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng.

Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Nơi đây có tháp cổ nghìn năm tuổi (thường gọi tháp cổ Vĩnh Hưng) được phát hiện năm 1911. Tháp cổ này là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại ở Tây Nam Bộ.

Khảo cổ Vĩnh Hưng nơi có tháp cổ nghìn tuổi là di tích quốc gia đặc biệt - 1

Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng nơi có tháp cổ nghìn năm tuổi (Ảnh: CTV).

Tháp cổ Vĩnh Hưng có diện tích bình diện khá lớn và được xây cao hơn 10m. Tháp có hình vuông, có bẻ góc phía trước và phía sau. Kiến trúc tháp không giống như tháp Champa ở Trung bộ Việt Nam, tháp Vĩnh Hưng không xây giật cấp, xây trụ, cột giả, không có vết tích của các đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như trước cửa tháp, không có cửa giả ở các mặt lưng, mặt hông.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bạc Liêu, qua các kết quả nghiên cứu khảo cổ học có thể khẳng định trên vùng đất Vĩnh Hưng từng có một di tích cư trú của cộng đồng cư dân cổ có niên đại khởi điểm từ khoảng thế kỷ IV, thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo.

Niên đại khởi điểm của di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đồng đại với một số di tích đã phát hiện ở Nam bộ như: An Giang, Long An, Đồng Tháp,…

Trải qua thời gian với biết bao biến động thăng trầm theo dòng chảy của lịch sử, ngôi tháp cổ luôn được người dân coi trọng, gìn giữ và bảo tồn, coi đó là một bộ phận cấu thành nên đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.

Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết tháp cổ Vĩnh Hưng đã qua 3 lần khai quật. Trong số hàng trăm hiện vật được phát hiện tại di tích có bộ sưu tập cổ vật bằng đồng (năm 2002) được đánh giá vào loại hiếm và rất giá trị. Đây cũng là bộ sưu tập tượng đồng nhiều nhất đến nay được ghi nhận ở các công trường khai quật khảo cổ học khu vực phía Nam.

Cổ vật có nhiều tượng đồng với hoa văn tinh xảo, kỹ thuật chế tác điêu luyện và mang đậm dấu ấn văn hóa của nền văn minh sông Hằng (Ấn Độ). Đặc biệt, có 5 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm: Tượng nữ thần Laksmi, tượng thần Sadashiva, đầu tượng thần Siva, tượng nam thần, phù điêu nữ thần Uma bằng đá (sa thạch).

Năm 1992, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích cấp quốc gia. Ngày 18/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng.

Khảo cổ Vĩnh Hưng nơi có tháp cổ nghìn tuổi là di tích quốc gia đặc biệt - 2

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu (trái) nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (Ảnh: CTV).

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh việc xếp hạng di tích khảo cổ Vĩnh Hưng là di tích quốc gia đặc biệt đã khẳng định tầm quan trọng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và tính thẩm mỹ của di tích này.

Ông đề nghị ngành văn hóa và địa phương tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm thêm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc có liên quan đến quá trình khai quật khảo cổ; thường xuyên duy tu bảo dưỡng di tích phục vụ khách tham quan;...