Hà Nội: Quán bánh ướt "đĩa chồng đĩa", hút khách bởi cách ăn độc đáo
(Dân trí) - Quán bánh ướt nằm trên phố Lò Đúc (Hà Nội) thu hút thực khách bởi hương vị đậm đà, bánh mềm, nước chấm đặc trưng. Mỗi ngày, quán bán gần 2.000 suất, gây ấn tượng với hình ảnh "đĩa chồng đĩa" cao ngất.

Nằm trên con phố đông đúc ở Hà Nội, quán bánh ướt thu hút thực khách nhờ không gian giản dị, chỗ ngồi thoải mái. Đặc biệt, phần bếp mở giúp khách dễ dàng quan sát quy trình chế biến, từ lúc tráng bánh đến khi bày biện từng đĩa bánh ướt nóng hổi.

Quán bánh ướt "đĩa chồng đĩa" trên phố Lò Đúc thu hút đông đảo thực khách với hương vị đậm đà, bánh mềm mịn và nước chấm đặc trưng.
Bánh ướt Ban Mê là món ăn quen thuộc ở miền Nam và miền Trung, nhưng với thực khách Hà Nội, món ăn này chỉ mới phổ biến trong vài năm gần đây. Được biết, quán là một trong những địa điểm đầu tiên đưa hương vị này đến với Thủ đô.
Từ lúc tráng bánh đến khi bày biện từng đĩa bánh nóng hổi, thực khách có thể dễ dàng quan sát toàn bộ quá trình chế biến nhờ phần bếp mở.
Hơi nước nghi ngút tỏa ra từ nồi tráng bánh, người làm bánh tay thoăn thoắt gỡ từng lớp bánh mỏng, người còn lại nhanh tay phết mỡ hành, rắc thêm chút tôm cháy, chuẩn bị rau sống… khiến ai cũng tò mò và muốn thử.

Lượng khách ra vào tấp nập khiến quán lúc nào cũng trong guồng quay hối hả.
Không giống bánh cuốn miền Bắc, bánh ướt Ban Mê không có nhân, mà chỉ là những lớp bột gạo tráng mỏng, mềm mịn rắc kèm bột tôm và mỡ hành.
Bánh ướt của quán được làm thủ công hoàn toàn. Bột gạo tẻ sau khi xay sẽ được ủ đến thời gian thích hợp và đem tráng trực tiếp ngay tại quán. Người thợ phải nhanh tay đổ bột, dàn đều, khéo léo gỡ từng lớp bánh lên đĩa. Bánh đạt chuẩn phải mỏng, dẻo và không bị rách.
Khác với các quán ăn thông thường, quán áp dụng cách tính tiền giống như ở Buôn Mê Thuột: Bánh ướt, rau và đồ ăn kèm được tính riêng. Một đĩa bánh có giá 2.000 đồng, rau ăn kèm đồng giá 5.000 đồng/đĩa, còn các loại thịt dao động từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/đĩa.
Mỗi ngày, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu bắt đầu lúc 7h, từ việc pha bột, lau bát đĩa, nướng thịt, đến nấu sốt và pha mắm.

Khay bánh gồm 10 đĩa bánh ướt tráng mỏng, trên có mỡ hành và ít ruốc tôm.
Những chiếc bánh vừa tráng xong, bốc khói nghi ngút, được đặt ngay ngắn lên khay. Màu trắng trong, mềm mịn của bánh khiến ai nhìn cũng muốn thử ngay.
Bánh ướt Ban Mê có nhiều loại topping ăn kèm, chấm cùng mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đậm đà như: Thịt nướng, chả quế, nem chua, xoài xanh, dưa chua…
Bánh cũng được trình bày theo cách độc đáo, không giống bất kỳ món đặc sản nào, người bán luôn chuẩn bị một khay kim loại nhiều tầng. Khi khách gọi món, nhân viên mang cả chồng đĩa tới bàn. Càng ăn, chồng đĩa trước mặt thực khách càng cao, tạo nên hình ảnh ấn tượng.
Trong một lần du lịch Buôn Mê Thuột, chị Phương, chủ quán (35 tuổi) đã mê mẩn hương vị bánh ướt nơi đây. Không chỉ đơn thuần yêu thích, chị đã quyết tâm mang món ăn này ra Hà Nội để nhiều người có thể thưởng thức.
Để đảm bảo giữ được hương vị chuẩn nhất, chị Phương đã dành thời gian học hỏi từ những đầu bếp chuyên món bánh ướt tại Buôn Mê Thuột, tìm hiểu kỹ cách tráng bánh, pha nước chấm và kết hợp nguyên liệu sao cho đúng vị nhất.

Chị Phương (bên phải), chủ quán, đã quyết tâm mang hương vị đặc biệt của món bánh ướt về Hà Nội sau một chuyến du lịch tại Buôn Mê Thuột.
"Rau và đồ ăn kèm tại quán đều được nhập mới mỗi ngày để đảm bảo độ tươi ngon. Một số nguyên liệu như cải muối, vốn quen thuộc ở Buôn Mê Thuột đã không được tôi đưa vào thực đơn do chất lượng rau không đạt yêu cầu khi nhập về Hà Nội", chị Phương cho biết.
Chị cũng chia sẻ, trung bình mỗi thực khách sẽ ăn khoảng 8-10 đĩa bánh ướt, nhưng cũng có người từng lập kỷ lục lên tới 40 đĩa.

Bánh ướt Ban Mê chấm với mắm chua ngọt, mắm nêm hoặc mắm dừa, mang đến hương vị đậm đà khó quên.
Buổi trưa là lúc quán đông nhất, khách ngồi kín bàn, kiên nhẫn chờ đợi những suất bánh ướt nóng hổi.
Nhiều khách hàng cho biết họ yêu thích quán vì có thể tự chọn các món ăn kèm theo ý thích và ăn bao nhiêu đĩa tùy vào sức.
Một số khác chia sẻ rằng họ đến quán sau khi nghe giới thiệu về phong cách ăn bánh ướt với "chồng đĩa". Sau khi trải nghiệm, nhiều thực khách không chỉ ấn tượng bởi hương vị bánh ngon mà còn yêu thích sự kết hợp hoàn hảo với nước mắm chua ngọt.

Ông Rowe, du khách người Úc, lần đầu trải nghiệm món bánh ướt tỏ ra khá bất ngờ trước hương vị đặc biệt và cách phục vụ độc đáo của quán.
Ông Rowe, một du khách đến từ Úc, tình cờ đi ngang qua quán và bị thu hút bởi cảnh những chồng đĩa cao ngất trên bàn của thực khách. Tò mò trước cách thưởng thức độc đáo này, ông quyết định vào quán để trải nghiệm.
"Bánh ở đây mềm, hơi giống món bánh cuốn nhưng có hương vị riêng, các món ăn kèm cũng rất đa dạng. Tôi chưa từng thấy món nào được phục vụ theo cách thú vị như thế này", ông Rowe chia sẻ.

Hồng Hạnh (tóc dài, bên trái) hài hước nhận xét đây có thể là món ăn "tốn" nhiều chén đĩa nhất Việt Nam.
Hồng Hạnh (26 tuổi), khách quen tại quán chia sẻ, cô đã từng thưởng thức bánh ướt tại Buôn Mê Thuột và nhận xét rằng hương vị ở quán khá chuẩn, giữ được đúng phong cách đặc trưng của món ăn.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều. Kiều Minh (22 tuổi), một khách hàng đã ăn bánh ướt tại đây vài lần cho biết: "Bánh ở đây mềm, nhân phong phú, nhưng nước mắm hơi nhạt so với khẩu vị của tôi. Quán khá đông vào giờ cao điểm, đôi khi tôi phải đứng chờ một lúc mới có chỗ ngồi".
Do lượng khách đông vào những ngày cuối tuần và lễ Tết, chị Phương cũng chia sẻ về những khó khăn khi muốn mở rộng quán, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Việc tìm người tráng bánh là một thử thách lớn, bởi công đoạn này đòi hỏi tay nghề cao và phải học ít nhất một tháng mới có thể làm tốt.
"Hiện tại, quán có 3 người tráng bánh thay phiên nhau, nhưng việc tuyển thêm nhân sự vẫn là một thử thách lớn", chị Phương bộc bạch.

Một số bạn trẻ sau khi thưởng thức xong món bánh ướt còn thích thú check-in cùng chồng đĩa cao ngất trước mặt.