DNews

Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là "giáo sư tí hon" gây sốt mạng

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Sinh ra không may mắc bệnh về đường ruột, Minh 6 tuổi mới biết nói, biết đi. 7 tuổi vào lớp 1, cơ thể chỉ như đứa trẻ hơn 1 tuổi.

Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là "giáo sư tí hon" gây sốt mạng

Đầu tháng 3, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip hơn 1 phút ghi lại khoảnh khắc bé trai 7 tuổi đang chăm chú làm bài tập. Không chỉ gây chú ý bởi sự tập trung cao độ, cậu bé còn khiến người xem thích thú với thần thái nghiêm nghị, khi chống cằm suy tư, lúc lại nhíu mày đầy triết lý, chẳng khác gì một "giáo sư chấm bài thi đại học".

Đoạn video nhanh chóng lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội, thu hút 4,5 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt thả tim và bình luận.

Nhiều cư dân mạng không tiếc lời khen ngợi: "Nhìn bé mà thấy cả một tương lai học hành rạng ngời. Thần thái này không phải ai cũng có đâu nhé"; "Thầy giáo tương lai đây rồi, vừa nghiêm nghị vừa đáng yêu hết sức"; "Cảm giác như đang xem một giáo sư đang giải bài toán hóc búa vậy, đúng chuẩn giáo sư tí hon".

Tiến Minh ngồi học bài nhưng có biểu cảm như giáo sư chấm bài (Video: Nhân vật cung cấp).

Nuôi mãi không lớn

Chia sẻ với Dân trí, chị Bùi Lan (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) - chủ nhân đoạn clip cậu bé "giáo sư tí hon" gây sốt mạng xã hội, cho biết nhân vật trong video là con trai chị, bé Tạ Tiến Minh, 7 tuổi.

"Tôi không ngờ hình ảnh con lại được yêu mến đến vậy", chị Lan xúc động nói. Với chị, khoảnh khắc con ngồi học chăm chú hôm nay là kết quả của cả hành trình 7 năm đầy nước mắt và nghị lực.

Minh chào đời cuối năm 2017, nặng 3,5kg - cân nặng lý tưởng khiến chị Lan tràn đầy hy vọng về một em bé khỏe mạnh, phát triển bình thường. Nhưng 5 ngày sau, hạnh phúc vụt tắt khi Minh phải nhập viện khẩn cấp vì viêm ruột sơ sinh. 

"Lúc đó tôi và con bị cách ly hoàn toàn suốt một tuần. Con nằm phòng bệnh, tôi thì chỉ biết ngồi bên ngoài chờ đợi, lòng như lửa đốt", chị Lan nghẹn giọng kể lại.

Sau hai tuần điều trị, Minh được xuất viện. Tưởng mọi chuyện đã qua, nhưng về nhà Minh bắt đầu nôn trớ liên tục, người không tăng cân, lúc nào cũng quấy khóc.

"Bác sĩ bảo rằng có thể con ăn chưa đủ lượng, điều chỉnh lại chế độ bú là ổn", chị Lan nói. Nhưng bằng linh cảm của một người mẹ, chị Lan biết có gì đó không ổn ở con mà bác sĩ chưa phát hiện ra.

gia đình nỗ lực chăm sóc, đến 5 tháng tuổi, Minh chỉ nặng 4,5kg - chỉ nhỉnh hơn lúc mới sinh đúng 1kg. Chưa kịp tìm ra nguyên nhân, cậu bé lại nhập viện vì viêm ruột nặng, tiêu chảy liên tục và mất nước nghiêm trọng. Từ đây, hành trình "cõng con đi tìm bệnh" của chị Lan bắt đầu.

Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi, từ bệnh viện lớn đến trung tâm chuyên khoa, làm đủ loại xét nghiệm, từ rối loạn chuyển hóa, phân tích nhiễm sắc thể, nhưng kết quả đều... bình thường.

Bác sĩ khuyên tăng khẩu phần ăn, nhưng dù ăn nhiều hay ít, Minh vẫn đi ngoài nhiều lần, không tăng cân. 

Khi Minh được 9 tháng, bác sĩ nội tiết phát hiện bé bị suy giáp. Tưởng đã tìm ra nguyên nhân, chị Lan lại hụt hẫng khi nghe kết luận là suy giáp thứ phát, do bị suy dinh dưỡng, không phải nguyên nhân gây bệnh.

Từ đó trở đi, mọi lần tái khám như rơi vào một vòng lặp vô định, con vẫn không lớn, không tăng cân, không phát triển như bình thường, nhưng chẳng ai xác định được nguyên nhân thực sự.

Suốt hơn hai năm, chị Lan sống trong trạng thái mong chờ rồi thất vọng, hy vọng rồi kiệt sức. "Mỗi lần bế con đi khám, tôi lại tự nhủ: Lần này nhất định sẽ biết con bị gì. Nhưng rồi lại trở về nhà trong mỏi mệt, đầu óc quay cuồng với một câu hỏi không ai trả lời được: Rốt cuộc con bị gì?", chị Lan chia sẻ.

Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là giáo sư tí hon gây sốt mạng - 1
Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là giáo sư tí hon gây sốt mạng - 2

Hình ảnh Minh tập luyện tại trung phục hồi chức năng.

Khúc cua định mệnh: Xét nghiệm gen và sự thật đau lòng

Đến khi Minh hơn 2 tuổi, trong một lần tái khám tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhi, bác sĩ đề nghị xét nghiệm gen. 

"Bác sĩ nói có 80% khả năng tìm ra nguyên nhân, 20% không tìm được. Và nếu có thì lỗi gen cũng không can thiệp được", chị Lan chia sẻ.

Gia đình đồng ý. Năm Minh 2,5 tuổi, khi con đang điều trị viêm ruột tại viện, kết quả được trả về, cậu bé bị đột biến gen Epcam gây ra loạn sản biểu mô ruột - hay còn gọi là bệnh ruột búi.

Căn bệnh cực hiếm, tỷ lệ mắc chỉ khoảng 1/50.000 đến 1/100.000 trẻ em. Căn nguyên khiến Minh không hấp thụ được chất dinh dưỡng là do cấu trúc lồng ruột bị teo. Phương pháp điều trị trên thế giới là ngừng ăn hoàn toàn, nuôi dưỡng tĩnh mạch - nhưng không phù hợp với Minh vì quá nguy hiểm.

Cả gia đình sụp đổ. Chị Lan tự hỏi bao lần: "Sao lại là con? Sao lại rơi vào chính gia đình mình?". Nhưng sự thật là cha mẹ đều mang gen lặn cùng đoạn và Minh nhận đủ cả hai đoạn gen ấy.

Những lần nhập viện liên miên, có lúc bác sĩ nói không thể lấy ven để truyền thuốc, bảo gia đình "về nghỉ ngơi". Người mẹ hiểu đó là cách nói nhẹ nhàng của việc "bệnh viện không còn cách". Nhưng chị Lan không từ bỏ. Bằng tất cả tình thương, chị luôn giữ vững niềm tin vào Minh, chăm sóc con tốt nhất có thể.

Tháng 8/2022, chị tìm đến một trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Đông bắt đầu quá trình tập trị liệu phục hồi chức năng cho Minh.

"Những ngày đầu, con khóc rất nhiều, khóc hơn một tháng", chị Lan nói.

Ở nhà, chị tập thêm cho con, Minh phản kháng mạnh mẽ, hai mẹ con từng to tiếng. Nhưng chị luôn nói với con: "Cố lên để biết đi, để được đi học như các bạn".

Dù khó khăn, người mẹ không lùi bước. Dần Minh tiến bộ, hiểu chuyện, dù chưa nói nhưng vẫn cảm nhận được hết những gì mẹ chia sẻ. Con biết mình cần cố gắng.

Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là giáo sư tí hon gây sốt mạng - 3

Minh có thể đứng được sau 5 năm.

Cậu bé "giáo sư" siêu nhân - hành trình không ngừng vươn lên

Khi hiểu chuyện hơn, Minh buồn khi bị nhầm là em bé, bị hỏi: "Mấy tháng rồi?"; "Là em của ai à?". Minh không thích, cậu bé nói với mẹ: "Con nhiều tuổi rồi mẹ".

Sau 4 tháng tập luyện, từ chỗ chỉ biết ngồi, Minh bò được thành thạo, rồi tập đứng, tập đi. Mất hơn 1 năm cậu có thể đi được một đoạn ngắn, hiện Minh vẫn cần mang giày hỗ trợ vì chân còn quá nhỏ, chỉ đi được trên mặt phẳng.

Niềm vui nối tiếp khi Minh bắt đầu biết nói. Trước đó, mỗi khi con không diễn đạt được điều muốn nói, chị Lan lại bất lực không hiểu, Minh cáu gắt, khóc lóc. Khi tiếng nói bật ra, cả nhà như vỡ òa, cảm giác như được "giải phóng" khỏi chuỗi ngày dài căng thẳng.

Việc chào đón em Đá - em của Minh - cũng là bước ngoặt lớn. Được mẹ chăm chút từ nhỏ, Minh khó lòng chấp nhận việc phải chia sẻ mẹ với em. Mỗi lần chị Lan bế em sang phòng bú, cậu lại òa khóc nức nở. "Đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất với tôi", chị nhớ lại. Để giúp con vượt qua, chị dành thời gian trò chuyện, an ủi, giải thích cho Minh hiểu và chấp nhận sự có mặt của em.

Tiết lộ bất ngờ về cậu bé ở Hà Nội được ví là giáo sư tí hon gây sốt mạng - 4

Từ ngày Tiến Minh biết đi, biết nói, gia đình chị Lan hạnh phúc, vui vẻ hơn.

Việc xin học cho Minh cũng không dễ. Vì vóc dáng nhỏ, con đi lại khó khăn nên nhiều trường e ngại. Mất nhiều tháng mới có nơi nhận cậu bé vào học. Người mẹ chia sẻ nỗi lo lớn nhất của chị là sợ con bị trêu chọc, tủi thân. Cô giáo thấu hiểu và cam kết sẽ giúp con hòa nhập.

"Hiện tại, Minh học mầm non, tháng 9 tới con sẽ vào lớp 1. Con rất yêu lớp, yêu trường", chị Lan cho biết.

Dù vậy, chị Lan vẫn lo: Liệu con có đủ sức để học tập? Liệu thầy cô và bạn bè có đủ yêu thương để giúp con phát huy? Để yên tâm chị Lan nhờ nhà trường bố trí một cô giáo kèm 1-1 cho Minh hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày.

Con tiến bộ mỗi ngày, khiến cả gia đình chị vui mừng, không còn phải lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông bà cũng không còn phải hỗ trợ thường xuyên. Căn nhà nhỏ giờ tràn đầy tiếng cười.

Nói về việc đăng tải hình ảnh của con lên mạng xã hội, chị Lan cho hay, ban đầu chỉ chia sẻ về Minh trên Facebook như cách lưu giữ kỷ niệm. Sau này, được mọi người động viên, chị lập TikTok cho con. Bất ngờ là những video về cậu bé lan tỏa rất mạnh. Ai cũng yêu thương con và để lại nhiều bình luận động viên.

Dù biết con còn cả chặng đường dài phía trước, chị Lan chưa bao giờ từ bỏ niềm tin. Người mẹ tâm sự, việc con bị bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng tinh thần của mẹ phải vững thì mới chăm được con.

Chị cũng gửi lời đến những gia đình có con không may mắc bệnh: "Ông trời sẽ không bao giờ lấy đi của ai tất cả. Sau cơn mưa trời lại sáng. Sự việc nào cũng có hai mặt - nếu ta biết đón nhận, kết quả sẽ là trái ngọt".

Ảnh: Nhân vật cung cấp