Bí ẩn chưa có lời giải về cặp rồng đá mất đầu ở di sản hơn 600 năm
(Dân trí) - Tại trung tâm Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có một cặp tượng rồng đá bị mất đầu. Đến nay, nguyên nhân khiến cặp rồng này mất đầu vẫn là một bí ẩn.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) nằm trên địa phận xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Công trình này được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 và từng là kinh đô, trung tâm văn hóa - chính trị - xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết các công trình bên trong hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Cặp rồng đá tại trung tâm Thành nhà Hồ (Ảnh: Thanh Tùng).
Nhiều năm qua, Di sản thế giới Thành nhà Hồ vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà đến nay các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải. Chẳng hạn, làm cách nào người xưa có thể xây dựng tòa thành chỉ trong vòng ba tháng với những tảng đá lớn nặng hàng chục tấn, hay chất kết dính các khối đá là gì.
Ngoài ra, còn có những câu chuyện bí ẩn như phiến đá in hình đầu người ở đền Bình Khương…
Đặc biệt, tại khu vực trung tâm Thành nhà Hồ, hiện vẫn còn cặp rồng đá bị mất đầu. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác minh lý do vì sao chúng bị mất đầu và phần đầu hiện ở đâu.

Rồng đá dài 3,8m, cao 1,2m (Ảnh: Thanh Tùng).
Bà Vũ Thị Lanh, hướng dẫn viên Trung tâm Di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết, cặp tượng rồng này được người dân phát hiện vào năm 1938, trong quá trình đào đất làm đường. Sau đó, cơ quan chức năng đã cọ rửa sạch sẽ và đặt chúng tại vị trí trung tâm của Thành nhà Hồ.
"Mỗi con rồng dài 3,8m, cao 1,2m, được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Theo các nhà điêu khắc, cặp rồng này mang đặc trưng của rồng thời Trần. Chúng có hình dáng khỏe khoắn, thân thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng sắc nhọn với những túm lông lượn mềm mại.

Phần đầu của tượng rồng bị mất (Ảnh: Thanh Tùng).
Rồng thời Trần và thời Hồ nói riêng, cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, thường tượng trưng cho quyền lực hoàng gia. Điều đặc biệt là đầu của cặp rồng này đã bị mất, nhưng vẫn còn bờm dài. Kiểu dáng của chúng tương tự như những con rồng được chạm khắc trên thềm bậc Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa)", bà Lanh nói.
Theo bà Lanh, dù đã có nhiều nghiên cứu, đến nay nguyên nhân khiến đầu rồng bị mất vẫn chưa có lời giải đáp.
Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng từ xa xưa, do cặp rồng được đặt quay hướng vào làng Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), nên trong làng thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Người dân tin rằng rồng phun lửa gây họa, nên đã chặt đầu rồng.
Bí ẩn chưa có lời giải về cặp rồng đá mất đầu ở di sản hơn 600 năm (Video: Thanh Tùng).
Một giả thuyết khác cho rằng rồng là biểu tượng của quyền uy và sức mạnh vương triều phong kiến. Khi quân Minh sang xâm lược, có thể đã chặt đầu đôi rồng đá để đánh dấu sự sụp đổ của vương triều Hồ.
Ngoài cặp rồng đá, trong quá trình khai quật Thành nhà Hồ, các nhà khảo cổ còn phát hiện hàng chục cổ vật đá có hình tượng nghê (kết hợp giữa sư tử và chó), sấu (đầu sư tử, mình sóc)... Đáng chú ý, hầu hết các hiện vật này đều bị chặt đầu, làm dấy lên nhiều giả thuyết về sự phá hủy có chủ đích trong lịch sử.
Tiến sĩ Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, cho biết, hiện nay chưa có văn bản hay sử sách nào ghi chép về nguyên nhân đôi rồng đá bị mất đầu.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhiều ý kiến cho rằng khi nhà Minh xâm lược và đánh chiếm thành Tây Đô, đôi rồng đá đã bị phá hủy, chặt đầu.