Đôi điều suy nghĩ sau thảm họa động đất ở Myanmar

PV

(Dân trí) - Trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 28/3 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người tại Myanmar, theo số liệu tính đến ngày 3/4.

Hàng loạt nhà cửa, chùa chiền sụp đổ và hàng nghìn người thiệt mạng, hậu quả thảm khốc của thảm họa đang dần hiện ra. Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng do nhiều người vẫn còn bị đất đá chôn vùi sau động đất.

Công tác cứu hộ tại Mandalay diễn ra không mấy thuận lợi do điều kiện thời tiết cực kỳ khó khăn. Nhiệt độ ngoài trời được dự báo lên tới 40 độ C khiến các nhân viên cứu hộ kiệt sức và đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể, gây khó khăn trong việc nhận dạng.

Giữa thời tiết nóng bức, người dân tuyệt vọng thậm chí phải tự tay đào bới trong hy vọng tìm thấy những người sống sót, giữa mùi tử khí nồng nặc bao trùm. Các nỗ lực cứu hộ hiện đã bị cản trở bởi những cây cầu bị sập, đường sá bị hư hỏng, thông tin liên lạc đứt quãng và một số khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền quân sự cầm quyền.

Đôi điều suy nghĩ sau thảm họa động đất ở Myanmar - 1

Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tham gia, hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất tại Myanmar (Ảnh: Công an cung cấp).

Bên cạnh đó, chiến sự không ngừng cản trở các cơ quan cứu trợ tiếp cận những người bị thương hoặc mất nhà cửa. Theo phương tiện truyền thông địa phương, nhiều người trong số 1,5 triệu người dân Mandalay đã phải ngủ trên đường phố, trở thành người vô gia cư hoặc do sợ hãi các cơn dư chấn nên không dám trở về nhà.

Câu chuyện đội cứu hộ tưởng chừng như đã cứu được một phụ nữ mang thai mắc kẹt dưới đống đổ nát suốt hơn 55 giờ. Họ phải cắt cụt chân của người phụ nữ để cứu cô, nhưng khi kéo nạn nhân ra, cô đã không qua khỏi. Tôi cảm thấy xúc động mạnh, đau buồn và cảm thương cho số phận của mẹ con người phụ nữ ấy khi nhìn thấy bức ảnh. Còn có rất nhiều câu chuyện đau lòng khác tương tự xảy ra trong quá trình cứu hộ khiến chúng ta rơi nước mắt.

Chiều 30/3, đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gồm 106 chiến sĩ đã đến sân bay Yangon của Myanmar. Để giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất, Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp đồ cứu trợ theo đề nghị của Myanmar. Đồng thời, viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Điều khiến tôi cảm nhận sâu sắc nhất và vô cùng tự hào là sau mỗi lần có quốc gia nào đó trên thế giới không may xảy ra thảm họa thiên tai thì Việt Nam dẫu chỉ là một đất nước nhỏ bé, đang phát triển, còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn luôn hỗ trợ cả vật chất và cử đoàn cán bộ chuyên làm công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp sang nước bạn làm nhiệm vụ.

Những cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác cứu nạn cứu hộ đều là những người giàu kinh nghiệm trong xử lý các tình huống khẩn cấp, sức khỏe tốt, được đào tạo bài bản có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đoàn còn có nhân viên y tế cùng các trang thiết bị, vật tư để kịp thời cấp cứu cho các nạn nhân động đất bị mắc kẹt còn sống sót.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam cử lực lượng sang hỗ trợ các nước khắc phục, giải quyết thảm họa thiên nhiên. Vào tháng 2/2023, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ dù ở rất xa lãnh thổ Việt Nam để tham gia, hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất. Đoàn cán bộ Việt Nam giúp họ khắc phục, giảm nhẹ hậu quả sau thiên tai, để lại hình ảnh đẹp về trách nhiệm quốc tế cao cả nói chung, hình ảnh đẹp của người chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân nói riêng trong lòng người dân các nước gặp thiên tai cũng như bạn bè quốc tế nói chung, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, thể hiện truyền thống "thương người như thể thương thân.

Đôi điều suy nghĩ sau thảm họa động đất ở Myanmar - 2

Cảnh sát Việt Nam chăm sóc y tế cho người dân Myanmar bị thương (Ảnh: Công an cung cấp).

Đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm quốc tế và nghĩa cử nhân đạo của Việt Nam, khẳng định uy tín và năng lực của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam trong tham gia các hoạt động quốc tế. Những hoạt động này còn thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Sau thảm họa này, tôi còn cảm thấy cuộc sống con người thật vô thường nhưng sự vô thường ấy chất chứa quá nhiều nỗi đau, cả thể xác lẫn tâm hồn cho những người ở lại. Tôi là người nước ngoài, sống cách xa đất nước Myanmar hàng nghìn km còn xót thương như đứt từng khúc ruột, huống chi người thân của họ, hẳn giờ này nỗi đau trong họ thấu tới trời xanh.

Làm sao có thể không đau khi hình ảnh của những người thân bị nằm giữa đống đổ nát bê tông ngổn ngang cứ hiển hiện về trong từng góc nhà, từng viên gạch, tiếng cười nói cứ văng vẳng bên tai? Tôi chỉ biết cầu mong những nạn nhân của trận động đất này sẽ sớm được siêu thoát và những người ở lại sẽ mạnh mẽ đi qua nỗi đau để tiếp tục sống trên cõi đời này.

Ngày hôm nay chúng ta khỏe mạnh, ngày mai một ai trong chúng ta bị mắc bệnh hiểm nghèo, thậm chí đối diện rất gần với cái chết hoặc ra đi mãi mãi. Ngày hôm nay chúng ta giàu có, ngày kia một ai trong chúng ta lâm vào cảnh phá sản, nghèo khó, nợ nần chồng chất.

Ngày hôm nay chúng ta còn yêu nhau, đến ngày nào đó chúng ta lại chia tay. Cuộc đời ngắn ngủi, mong manh là vậy. Trên hành trình cuộc sống, đa số mọi người đều mang trong mình quá nhiều tham vọng về tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, nhục dục… Khi có càng nhiều thì lại càng muốn có nhiều hơn.

Khi ở bên cạnh nhau, chúng ta quên nói những lời yêu thương, quên đi sự trân trọng, quên nói "anh yêu em/em yêu anh" hoặc bị cuốn vào những việc dở dang khác mà quên mất những điều nhỏ bé mình làm hàng ngày lại rất ý nghĩa với người khác, để rồi khi mất đi, mới chợt nhận ra, tất cả những gì đã đạt được không đem lại cho họ hạnh phúc, để rồi khi bừng tỉnh mới ân hận xót xa mà thốt lên rằng: "Giá như…". Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, bởi chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao.

Tôi thầm cầu chúc đoàn cán bộ của Việt Nam đang làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ tại Myanmar luôn phát huy bản lĩnh, phẩm chất người chiến sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân, nêu cao tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau; cùng xây dựng, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam và lực lượng vũ trang Việt Nam.

Độc giả Vũ Thị Minh Huyền